Loading...
www.ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

Bia ký, bảo vật quốc gia, điểm nhấn trong bức tranh văn hóa lịch sử của Lam Kinh


       

Bia Vĩnh Lăng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) do Nguyễn Trãi phụng 

thảo ghi lại thân thế, sự nghiệp của Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi.

         Sau 50 năm kể từ khi được công nhận là di tích lịch sử quốc gia (1962), năm 2012, Khu di tích Lam Kinh đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là nơi bắt đầu khởi nghĩa Lam Sơn, cội nguồn phát tích vương triều Hậu Lê, nơi an táng 6 vị vua và 2 hoàng thái hậu đầu thời Lê sơ. Đến với Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh rộng 200 ha (huyện Thọ Xuân) du khách sẽ được chiêm bái hệ thống điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn, những công trình kiến trúc gỗ hoành tráng... Tất cả tạo nên một vẻ đẹp riêng có của Lam Kinh. Trong bức tranh văn hóa lịch sử ấy, điểm nhấn chính là 5 tấm bia đã được công nhận bảo vật quốc gia.

        Vĩnh Lăng - lăng vua Lê Thái tổ (Lê Lợi) được xây dựng trên một thế đất đẹp, phía trước có minh đường rộng rãi và tiền án là núi Chúa, phía sau có gối tựa là núi Dầu, hai bên tả, hữu có hai dãy núi tạo thế hổ phục long chầu. Cách lăng khoảng 300m là “Lam Sơn Vĩnh Lăng bi” (bia Vĩnh Lăng), tồn tại song hành cùng với lịch sử của dân tộc từ năm 1433 (Thuận Thiên năm thứ 6). Đây là một trong những tấm bia lớn nhất cả nước, với mỹ thuật điêu khắc, trang trí cầu kỳ, công phu, đường nét trau chuốt. Bia mô tả ngắn gọn, cô đọng gia tộc, thân thế, sự nghiệp công lao của vua Lê Thái tổ trên 750 chữ Hán khắc theo lối chữ triện do Nguyễn Trãi biên soạn. Sau 580 năm kể từ ngày được dựng, năm 2013, bia Vĩnh Lăng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

       Ngay sau đó, năm 2014, bia “Khôn Nguyên Chí Đức chi bi” (Bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao) được công nhận bảo vật quốc gia. Đây được xem là tấm bia đẹp nhất nước Nam, khắc ghi lai lịch, công đức của người phụ nữ có công làm rạng danh 3 đời vua thời hậu Lê (với Vua Lê Thái tông thì có công chăm lo giúp đỡ, với Vua Lê Thánh tông là công sinh dưỡng, đối với Vua Lê Hiến tông thì luôn tận tình). Khẳng định giá trị của tấm bia này, ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh cho biết: “Giá trị tiêu biểu của Bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao là nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, một phong cách nghệ thuật mới hoàn chỉnh - nghệ thuật thời Lê Sơ”. Một mặt đã kế thừa những tinh hoa truyền thống trong mỹ thuật thời Lý, Trần. Mặt khác do sự thay đổi hoàn cảnh của xã hội thời Lê sơ, nên ở tấm bia này mang phong cách riêng biệt, là tiền đề cho một thời đại huy hoàng của nghệ thuật kiến trúc cung đình, biểu hiện rõ nét uy quyền trên các đường nét trang trí. Điều đặc biệt, mặt sau bia có khắc một bài minh và 36 bài thơ xướng họa của các quần thần.

      4 năm sau khi bia Vĩnh Lăng được công nhận bảo vật quốc gia, tháng 12-2016, “Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi” (bia Chiêu Lăng) ghi lại thân thế, sự nghiệp của Vua Lê Thánh tông, một vị vua có công lao lớn trong lịch sử phong kiến Việt Nam, cũng được công nhận là bảo vật quốc gia. Bia được dựng vào mùa xuân năm Mậu Ngọ, niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498) đời vua Lê Hiến tông. Theo sách “Lăng mộ - Bia ký Vua và các Hậu còn lại ở Lam Kinh”, người soạn văn bia là Đông các đại học sĩ kiêm Quốc Tử Giám Tế Tửu Chính trị khanh Thân Nhân Trung, cùng các quan thượng thư Đàm Văn Lễ; Đông các đại học sĩ Lưu Hưng Hiếu; Trung thư giám Nguyễn Đức Tuyên; Hiển cung đại phu Tô Ngại; Cẩn sự tá lang ngự giám hình Phạm Bảo…

Bảo vật quốc gia thứ 4 là “Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng Bi” (bia Dụ Lăng) ghi lại thân thế sự nghiệp của vua Lê Hiến tông - vị vua thông minh, sáng suốt và rất nhân từ. Ngoài nội dung văn bia, bia Dụ Lăng còn được xem là hiện vật độc bản mang tính độc đáo, đại diện cho phong cách nghệ thuật của một giai đoạn mới phát triển rực rỡ nhất. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, phong cách nghệ thuật chạm khắc ở bia này đã có sự chuyển biến rõ rệt so với phong cách nghệ thuật, cụ thể là kỹ thuật chạm khắc sâu hơn, đường nét sắc nhọn, dứt khoát, trau chuốt tỉ mỉ, khỏe khoắn, thể hiện rõ được các đặc điểm của phong cách tạo hình thời Lê sơ.

     “Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng bi” (Bia lăng Vua Lê Túc tông) được dựng vào tháng 3 năm Đoan Khánh thứ nhất (1505) là bảo vật quốc gia cuối cùng tính tới thời điểm này trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh hiện đang nằm ở xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc). Với khoảng 1.500 chữ, ghi rõ thân thế, sự nghiệp của vua Lê Túc tông, vị vua thứ 6 và cũng là vị vua cuối cùng của giai đoạn hưng thịnh ở triều Lê sơ. Mặc dù Vua Lê Túc tông giữ ngôi chỉ trong 7 tháng, nhưng được sử sách đánh giá là luôn chăm lo chính sự chu đáo, ban hành nhiều quyết định sáng suốt giúp cơ nghiệp hoàng triều bền vững và Nhân dân yên ấm. Thông qua nội dung văn bia, hậu thế đã hiểu hơn về cuộc đời và công lao của Vua Lê Túc tông, từ ngày đầu mới lên ngôi đã cho thả tù nhân, giải phóng cung nữ, dừng những việc không cấp bách, bớt đồ dâng cúng, giảm nhẹ lao dịch, dốc lòng thương yêu người dân.

      Ngày hôm nay, về với Lam Kinh hẳn sẽ khó ai có thể bỏ qua 5 tấm bia, 5 bảo vật quốc gia, tồn tại trên dưới 500 năm. Cố đô Lam Kinh trầm mặc vẫn rạng rỡ hào quang một thuở vàng son của dân tộc, và hậu thế hôm nay đến với Lam Kinh cũng một phần bởi họ muốn được chiêm ngắm những trang sử đá về một giai đoạn lịch sử hưng thịnh nhưng cũng nhiều bí ẩn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

      Lần đầu tiên đi từ thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ trong chuyến du xuân về Lam Kinh, ông Nguyễn Văn Khánh bày tỏ cảm xúc: “Qua tài liệu sách báo tôi biết Quảng Ninh có khu lăng tẩm và miếu thờ các vị vua nhà Trần, Bắc Ninh có khu thờ tự 8 vị vua nhà Lý và Thanh Hóa có nơi thờ các vua và tổ tiên nhà Lê. Nhưng tôi thực sự bất ngờ khi đến đây, tất cả ngoài sức tưởng tượng của tôi. Đặc biệt khi đứng trước lăng mộ các vị vua và chiêm ngắm từng tấm bia, dù chưa có điều kiện tìm hiểu sâu về bảo vật, nhưng chỉ nghe các hướng dẫn viên nói thì tôi thấy rất là ấn tượng. Sau chuyến đi này, chắc chắn tôi sẽ còn tìm hiểu nhiều về Thanh Hóa, vùng đất có nhiều dòng vua, chúa nhất trong cả nước”.

      Để phát huy các giá trị di tích, ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh cho biết: “Ngoài 5 tấm bia bảo vật quốc gia, hiện chúng tôi đang trong quá trình phục hồi bia Lê Thái tông. Nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, nên kể từ sau khi được công nhận bảo vật quốc gia, các tấm bia có hệ thống khung bảo vệ và nằm trong các nhà bia, thường xuyên được lực lượng chuyên môn bảo vệ, quản lý theo chế độ định kỳ; giới thiệu và tuyên truyền tới du khách góp phần lan tỏa giá trị to lớn của các bảo vật quý giá đã được công nhận tại Lam Kinh. Hiện các bảo vật đã được lắp lan can xung quanh để bảo vệ bia; đồng thời, Ban Quản lý Khu di tích Lam Kinh cũng tích cực tuyên truyền, nhắc nhở khách tham quan không chạm lên bia và rùa. Cùng với đó, đơn vị cũng thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, nhằm giảm thiểu tối đa các yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến bảo vật, góp phần gìn giữ vẻ đẹp và giá trị trường tồn của di sản cho muôn đời”.

      Những tài liệu sử đâu đó có thể bị thay đổi nhưng nội dung khắc ở văn bia thì không ai có thể đổi thay. Các du khách ngày nay khi đến với Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, ngoài ấn tượng trước sự uy nghi, bề thế của khu chính điện, và khi được nghe hướng dẫn viên giới thiệu họ còn ngỡ ngàng hơn về khả năng chế tác của người xưa, giá trị nội dung của từng văn bia. Hơn hết những tấm bia bảo vật quốc gia này lại nằm trong “kinh đô tưởng niệm” của một vương triều nhà Lê tồn tại dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

                                                                                                                                                                                                                 Nguồn vhds.baothanhhoa.vn

                                                                                                                                                                                                                                                                                                    Bài và ảnh: CHI ANH


TIN TỨC KHÁC

Audio Guide

www.ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh