Loading...
www.ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

NÚI CHÍ LINH VỚI CUỘC KHỞI NGHĨA LAM SƠN


         Trong thiên anh hùng ca chống giặc ngoại xâm của dân tộc Lam Sơn mảnh đất địa linh nhân kiệt, quê hương của người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã được ghi vào sử sách như một dấu son chói lọi. Lam Sơn là căn cứ đầu tiên của một cuộc khởi nghĩa lớn chống lại ách đô hộ phong kiến nhà Minh, kéo dài mười năm (1418 - 1427), giành thắng lợi, mở ra thời kỳ độc lập thịnh trị lâu dài cho nước nhà.

        Trong suốt 10 năm “nếm mật nằm gai” đánh đuổi giặc Minh với các trận đánh nổi tiếng như : Trận Đa Căng, trận Thành Tây Đô, trận Chi Lăng... và những năm khởi nghĩa ấy không ít lần nghĩa quân bị giặc Minh tấn công bao vây, nghĩa quân đã ẩn nấp vào rừng núi hiểm trở và căn cứ mà Lê Lợi chọn ẩn nấp nhiều nhất là dãy núi Chí Linh. Theo Địa chí huyện Lang Chánh, núi Chí Linh còn có tên gọi là Pù Rinh, gồm nhiều ngọn núi cao trên dưới 1000m thuộc phía Tây Thanh Hóa kéo dài và chiếm một khu vực khá rộng nằm giữa hai huyện Thường Xuân và Lang Chánh. Phía Đông và phía Đông Bắc giáp các xã Yên Khương, Trí Nang của Huyện Lang Chánh.

        Việc chọn căn cứ Chí Linh thể hiện tầm nhìn chiến lược sáng suốt của vị thủ lĩnh Lê Lợi. Địa hình ở đây hiểm trở, núi non trùng điệp làm cơ sở cho nghĩa quân “lúc thủ, lúc công” đều thuận tiện, Lê Lợi còn đặc biệt lưu tâm thu phục được các thủ lĩnh, đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Mông ở quanh vùng ven triền núi Chí Linh.

Đền thờ Lê Lợi tại Bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh

        Về mặt địa - hành chính vào thời Trần, vùng Lang Chánh thuộc đất Mường Một, huyện Nga Lạc. Năm Quang Thái thứ 10, Trần Thuận Tông (1397), đổi làm trấn Thanh Đô. Trấn Thanh Đô lúc này gồm 7 huyện và 3 châu (mỗi châu có 4 huyện). Châu Thanh Hóa, gồm 4 huyện: Nga Lạc, Tế Giang, Yên Lạc, Lõi Giang. Phần Lang Chánh thuộc châu Thanh Hóa.

       Thời thuộc Minh, đổi Trấn Thanh Đô thành phủ Thanh Hóa như cũ, có thêm hai huyện là: Lôi Dương (vùng Thọ Xuân và bắc Thiệu Yên), huyện Thụy Nguyên (vùng nam Thiệu Yên và tây Đông Sơn).

       Thời Hậu Lê, theo sách Đại Nam thống chí (1), phủ Thanh Đô thuộc Thanh Hóa thừa tuyên, gồm huyện Thọ Xuân và 4 châu là Quang Da, Lang Chánh, Tàm Châu, Sầm Châu. Gồm 8 tổng, 43 xã và thôn. Châu Lang Chánh khi ấy thuộc phủ Thanh Hóa, có 14 động: Lô Hạ, Thôn Luận, An Khang, An Nhân, Lương Sơn, Sơn Cao, Kháng Chính, Giao Lão, Thổ Nang, Lô Thượng, Cự Lạt, Lò Sưởi, Bất Một, Động Thọ Nghĩa (2).

       Chỉ ít ngày sau khi “dấy cờ khởi nghĩa” đã diễn ra cuộc chiến đấu không cân sức giữa một bên là nghĩa quân Lam Sơn mới thành lập còn thiếu thốn mọi bề, một bên quân xâm lược Minh hùng hậu và thiện chiến. Trước tình hình đó, theo cuốn “Lịch sử Thanh Hóa”, “Lê Lợi quyết định rút toàn bộ lực lượng nghĩa quân từ Mường Mọt tiến sâu hơn nữa vào rừng núi Chí Linh (3).

        Nhìn chung, Lang Chánh là một vùng đất cổ nằm ở khu vực ở phía Tây Thanh Hóa, tiếp giáp với nước CHDCND Lào. Đây cũng là vùng rừng núi đại ngàn, hiểm yếu, có vị thế chiến lược quân sự quan trọng, được thể hiện rõ nét nhất trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV.

        Quân Minh biết được nghĩa quân và Lê Lợi đã rút về Chí Linh, quân Minh đã quyết tâm bao vây và tiêu diệt. Mọi ngả đường ra vào từ Chí Linh đều bị khóa chặt, ngày đêm quân thù lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm… nghĩa quân Lam Sơn ở vào thế vô cùng hiểm nghèo “lương thực ít ỏi, tuyệt đường đi về Linh Sơn, Mường Cốc. Quân lính chịu khổ, đói rét vất vả hang mười ngày liền, đào củ nâu ăn cầm hơi, tìm mật ong làm làm nước uống, người ngựa đều đói khốn”(4).

        “Vua bèn hỏi các tướng:

         Có ai dám bắt chước việc Kỷ Tín thời thời xưa không?

         Người thôn Dựng Tú là Lê Lai khảng khái vâng mệnh, tự nguyện thay đổi mặc áo bào nhà vua, xưng là vua Lê ở Lam Sơn, dẫn quân ra đánh nhau với quân Minh. Tướng Minh mừng rỡ, liền dồn cả quân vây chặt Lê Lai, Lê Lai chống cự đến kiệt sức thì bị bắt, quân Minh dẫn Lê Lai về thành Đông Quan giết chết, chúng bèn lui binh, ta được thoát nạn”(5).

       Khi ẩn náu ở núi Chí Linh nghĩa quân đã sắp xếp đội ngũ, chỉnh đốn khí giới, quân lương để chuẩn bị cho giai đoạn mới của cuộc khởi nghĩa. Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn cùng với núi Chí Linh đã trở thành hình tượng cao đẹp của tinh thần chịu đựng hy sinh cao cả của tấm gương Lê Lai và đội ngũ nghĩa quân Lam Sơn được các thế hệ muôn đời ghi nhớ.

       Nhớ về những năm tháng gian lao khổ sở nuôi chí phục quốc năm xưa, Nguyễn Trãi trong một lần đến thăm đã cảm tác làm nên bài thơ “Chí Linh sơn phú” còn lưu truyền đến ngày nay:

        “… Núi Lam phất cờ, núi Chí Linh đặt nền tảng;

        Như Cối Kê, như Mang Đảng, trước sau chói lọi ánh sang”(6).

Thác Ma Hao kỳ vĩ dưới chân núi Chí linh vẫn con nguyên nét hoang sơ giữa rừng đại ngàn.

      Chí Linh như ngọn núi thiêng đã 3 lần che chắn cho đoàn quân, cho Đức Lê Thái Tổ được an toàn trước giặc hung ác. Lần thứ nhất vào tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418), chính là thời gian diễn ra trận đánh ác liệt, khiến cho Lê Lai đổi áo, anh dũng hy sinh để Lê Lợi và nghĩa quân bảo tồn lực lượng. Lần thứ hai vào tháng Tư cùng năm, ở Chí Linh suốt 3 tháng trời, có lúc nghĩa quân không còn lương ăn. Lần thứ 3, cuối tháng 12 năm 1422, nghĩa quân rút lên núi Chí Linh, Lê Lợi tính kế giảng hòa, chuẩn bị điều kiện để đưa cuộc khởi nghĩa sang giai đoạn phát triển mới(7).  Dù 3 lần trải qua gian lao và vất vả, nhưng cuối cùng đại nghiệp phục quốc cũng thành, đó có chăng cũng nhờ qua những lần ẩn mình dưới ngọn núi thiêng.

Thác Ma Hao kỳ vĩ

      Trải qua 10 năm chiến đấu gian khổ, cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã ca khúc khải hoàn năm 1427 bằng sự kiện nhân nghĩa trong lịch sử Lê Lợi tha chết cho “những quân giặc bị bắt và những quân đầu hang có đến 10 vạn người, đều tha cho về cả. Đường thủy thì cấp cho hơn trăm thuyền, đường bộ thì cấp cho lương ăn và ngựa; răn cấm quân sĩ (của ta) không được xâm phạm mảy may (đến quân giặc)”(8). Ngày 15 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế tại Đông Kinh (Thăng Long - Hà nội ngày nay), lấy niên hiệu là Thuận Thiên, xưng Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra một triều đại Hậu Lê phát triển rực rỡ kéo dài 360 năm./.

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Nam thống chí - quyển VI - Tỉnh Thanh Hóa, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006, tr.206-209

1. 2Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa (2010), Địa chí huyện Lang Chánh, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr.75-76.

3. Lịch sử Thanh Hóa - Nxb khoa học xã hội - Hà Nội, 2002, tr 45

4. Lam Sơn thực lục Nxb Khoa học xã hội - Hà Nội, 2006, tr 192.

5. Đại việt thông sử - Lê Quý Đôn toàn tập II - Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội - 1978, tr 35

6. Tài liệu tham khảo văn học Việt Nam - Nxb Giáo dục – 1979, tr 199.

7. Hội thảo khoa học “Lang Chánh với cuộc Khởi nghĩa Lâm Sơn và việc bảo tồn, phát huy Di sản lịch sử - văn hóa”.

8. Tuyển tập văn bia, tập II, Văn bia thời Lê Sơ - Nxb Thanh Hóa - 2013, tr 25.

Bài, ảnh: Lê Thị Dịu

Cán bộ phòng Nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh


Audio Guide

www.ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh