Loading...
www.ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

NHỮNG ĐỊA DANH TRÊN ĐẤT LANG CHÁNH GẮN VỚI CUỘC KHỞI NGHĨA LAM SƠN


Lang Chánh là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, văn hóa tộc người phong phú và đa dạng. Đây là một trong những huyện miền núi xứ Thanh có vị trí rất quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam, có lịch sử phát triển liên tục. Đất và người nơi đây không chỉ kiên trung trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà cả trong những thời kỳ trước đó, đặc biệt là thời kỳ cùng Lê Lợi chống giặc Minh. Đây cũng là vùng rừng núi đại ngàn, hiểm yếu, có vị thế chiến lược quân sự quan trọng. Vùng đất Linh Sơn – Chí Linh (Pù Rinh), nơi gắn liền với nhiều sự kiện liên quan đến anh hùng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Thác Ma Hao:

Thác Ma Hao cách trung tâm huyện Lang Chánh chừng 20km về phía Tây và bản Năng Cát, xã Trí Nang độ chừng 3km. Ngọn thác bắt nguồn từ đỉnh núi Pù Rinh, có độ cao hơn 1.200m so với mặt nước biển. Các dòng suối nhỏ chảy dọc theo những cánh rừng già hợp thành dòng suối lớn đổ xuống tạo thành thác Ma Hao chảy mãi từ ngàn xưa đến nay không bao giờ ngừng nghỉ.

Thác Ma Hao không chỉ là cảnh đẹp tự nhiên, hoang sơ mà gắn liền với lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của nghĩa quân Lam Sơn do người anh hùng dân tộc áo vải Bình Định Vương lãnh đạo. Vào thế kỷ XV, trong một lần bị giặc Minh bao vây và truy đuổi ráo riết, Lê Lợi và nghĩa quân dẫn theo một chú chó núi. Đến chân thác, nghĩa quân Lam Sơn phải mạo hiểm dầm mình vượt qua thác. Còn chú chó do kiệt sức không thể theo được chỉ đứng ngáp. Quân giặc đuổi đến, chú chó liền xông ra giao chiến chặn đàn chó của giặc, giúp nghĩa quân chạy thoát, rồi nhảy xuống dòng nước xiết. Với sự kiện này, Lê Lợi đặt tên cho thác Má Háo – theo tiếng Thái nghĩa là chó ngáp. Sau này, người dân địa phương đọc chệch âm thành thác Ma Hao.

Thác Ma Hao là một trong số những thắng cảnh tự nhiên kỳ thú và độc đáo ở tỉnh Thanh. Thắng cảnh này không những có giá trị về mặt cảnh đẹp tự nhiên mà còn có giá trị lịch sử văn hóa, trở thành vùng du lịch cảnh quan, sinh thái hấp dẫn du khách tìm về.

Thác Ma Hao

Chùa Mèo:

Chùa Mèo (Miêu Tự) nằm trên một quả đồi thuộc bản Chiềng Ban, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh. Chùa được hình thành từ thời Trần và có tên là Chùa Chu. Tương truyền có lần Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn vào Chùa thắp hương cầu nguyện cuộc kháng chiến thắng lợi. Sau khi sự nghiệp chống giặc Minh thắng lợi trở về, nhớ ơn các vị thần linh và Đức phật giúp đỡ, Lê Lợi đã sắc chỉ đổi tên chùa Chu thành Chùa Mèo.

Cuối năm Vĩnh Thịnh thứ 14 triều Lê cách đây gần 300 năm, quân và dân nơi đây đã hưng công, đúc quả chuông lớn và xây dựng gác chuông chùa cao 15m. Chuông mịn như ngọc, tiếng vang vọng lên thinh không, vang vọng chín bản, mười phường. Trên chuông chùa còn ghi rõ chùa Đỉnh Miêu, châu Lang Chánh. Chuông chùa hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm, người dân khắp nơi lại nô nức hành hương về Chùa Mèo để tham dự lễ hội đầu xuân, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chùa Mèo không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của bà con nhân dân các dân tộc huyện Lang Chánh mà còn là điểm đến tham quan của du khách thập phương.

Chùa Mèo về đêm

Hòn đá Vua Lê:

Nằm gần đỉnh của ngọn núi Pù Rinh – nơi Lê Lợi ngồi quan sát địa thế chiến lược và định ra kế hoạch chiến đấu với quân Minh là một hòn đá lớn. Hòn đá này rộng bằng hai cái chiếu, cao 7m từ bao đời nay dân trong vùng vẫn gọi là hòn đá Vua Lê. Du khách mỗi khi đến với Trí Nang ai cũng muốn được chinh phục độ cao để được đặt chân đến và tìm hiểu về hòn đá gắn với sự nghiệp bình ngô của anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn trong những năm nằm gai, nếm mật chống giặc Minh xâm lược.

Đền thờ Lê Lợi:

Đền thờ Lê Lợi nằm trong địa phận làng Năng Cát. Theo truyền thuyết, đây là nơi đánh dấu địa điểm mà người anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn nương náu, củng cố lực lượng để đánh đuổi giặc Minh. Vua Lê Lợi đã đặt cho ngôi làng nằm dưới chân núi Chí Linh (núi Rù Rinh) này là Năng Cát. Sau khi Lê Lợi mất, đồng bào Thái ở bản Năng Cát đã dựng lên một ngôi đền thờ Lê Thái Tổ để tỏ lòng biết ơn. Hiện nay, nền móng và dấu tích của đền thờ xưa vẫn còn và sẽ được phục hồi trong thời gian gần đây.

Trong thời gian ở núi rừng Lang Chánh, Lê Lợi cùng các tướng lĩnh như Lê Lễ, Lê Vấn, Lê Xí, Lê Bí, Trương Lôi, Lê Đạp… và nghĩa quân ẩn náu vẫn kiên trì giữ vững chí khí, quyết vượt qua gian nguy. Sự cưu mang của đồng bào các dân tộc ở khu vực núi Chí Linh – Lang Chánh, sự tháo vát của tướng Nguyễn Nhữ Lãm và bà con ngư dân ở phường Đa Mỹ đã giúp nghĩa quân Lê Lợi vượt qua những tháng ngày gian khổ, thoát khỏi vây quét, lùng sục của quân Minh để tồn tại và phát triển lực lượng, tiếp tục chiến đấu ở giai đoạn tiếp theo./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đại Nam nhất thống chí – quyển VI, tỉnh Thanh Hóa, Nxb Thuận Hòa, Huế 2006.
  2. Huyện Ủy – HĐND – UBND huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa (2010).
  3. Đại chí huyện Lang Chánh, Nxb từ điển Bách Khoa, Hà Nội.
  4. Kỷ yếu hội thảo khoa học: Chí Linh với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn – Nxb Thanh Hóa 2018
  5. Bài & ảnh : Lê Thị Dịu

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK

 


Audio Guide

www.ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh