Loading...
www.ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

HOÀNG THÁI HẬU NGÔ THỊ NGỌC DAO


        Trở về thăm di tích lịch sử Lam Kinh, du khách sẽ thành kính dâng hương tưởng nhớ đến các vua triều Hậu Lê. Đến viếng lăng mộ 5 vị vua đầu thời Lê Sơ và lăng mộ Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao là vợ vua Lê Thái Tông, mẹ vua Lê Thánh tông, Bà nội vua Lê Hiến Tông- được dân gian tôn xưng là “Phật sống” trong triều Hậu Lê.

        Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao sinh năm 1420 (Canh Tý) người làng Đồng Bàng (nay là làng Đồng Phang, xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Cha của bà là Ngô Từ được Lê Lợi giao việc quân lương, sau có công lớn được phong chức Thái Bảo. Hoàng thái hậu mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, được bà nội đưa về nuôi dạy. Chị gái là Ngọc Viên vào chầu vua Thái Tổ được phong chức Liệt Vinh (1). Trong một lần vào cung cùng chị, vua Thái Tông đã mê đắm sắc đẹp của Bà nên cho tiến cung. “Xem như nhà này: Nhiều đời nhân đức, phúc dày tích lũy, mới sinh được Hoàng thái hậu. Cơ trời tác hợp, đức hóa bốn phương mới sánh duyên cùng Lê Thái Tông”. [2; tr.52]

       Có nhiều giai thoại kỳ lạ kể về lúc Bà được sinh ra như: “Khi hậu chưa sinh, mẫu thân của bà nằm mộng thấy tiên từ cung trăng xuống rồi vào trong nhà, lúc tỉnh dậy thì sinh ra Ngô Thị Ngọc Dao. Khi bà được sinh ra, trong nhà có mùi thơm lạ, ngoài sân có tiếng nhạc, âm luật khác thường như nhạc tiên. Đến khi lớn lên, bà thường theo người nhà đi làm việc đồng ruộng, thường có 5 sắc mây che trên đầu bà, trẻ nhỏ thấy thường chạy theo để được mát lây. Có người biết vậy nên nói: “Gái ấy đáng là mẹ của thiên hạ” [4; tr.133]. Văn bia Khôn Nguyên Chí Đức thì ghi rằng: “Có lần một bậc dị nhân đi qua bảo rằng cô bé này sau sẽ là mẹ thiên hạ. Nói xong bỗng biến mất. Đó là điềm tốt”. “Hoàng Thái hậu sinh ra sẵn có chất ngọc thuần hòa, tính trời cẩn thận, đôn hậu, một niềm cần kiệm, không chuộng xa hoa, thêu thùa việc nữ công, tay không lúc nào rời; mắm muối nơi bếp núc lại càng quan tâm. Ngày thường ở nghiêm trang như đang tiếp khách, khi tiếp xúc với ai cũng tỏ vẻ hòa nhã dịu dàng” [2; tr.50]

        Khi vừa tròn 16 tuổi, bà được tuyển vào cung, với nhan sắc và đức độ nên bà rất được vua Thái Tông yêu quý. Sau khi được tuyển vào cung “Lời nói của người trở thành lời giáo huấn trong cung, nết na của người đều hợp với phép tắc lễ độ, thờ bậc trên đúng lễ, đối với kẻ dưới có ân” [2; tr.48]. Năm 1440, Bà được phong làm Tiệp Dư ở cung Khánh Phương. Bà sinh ra Thao quốc trưởng công chúa và ngày 20 tháng 7 năm 1442 sinh hoàng tử thứ tư của vua Thái Tông là Lê Tư Thành. Xung quanh việc có mang và sinh ra người con trai này thì có nhiều câu chuyện thần bí “Thuở đầu, Thái hậu làm Tiệp Dư, cầu tự nằm mộng thấy Thượng đế ban cho một tiên đồng, bèn có mang. Kịp khi ngài ra đời, dung mạo đế vương, thần thái khác thường, cứng cõi mạnh mẽ nhu thuận ôn hòa, tính rất thần toàn” [3; tr.65].

       Năm 1460, sau nhiều biến loạn trong triều đình, hoàng tử Lê Tư Thành được các công thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt tôn lên làm vua, tức vua Lê Thánh Tông. Bà được tôn làm Hoàng Thái hậu. Có thể khẳng định bà là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của vua. Hoàng thái hậu đã có công lớn trong quá trình xây dựng xã hội thời kỳ này theo tư tưởng Nho giáo. “Lễ nhạc văn chương được rạng rỡ, sĩ phong dân tục bỗng chốc thuần hậu đều nhờ ở sức của Thái hậu”. Trong thời gian ở ngôi, vua Lê Thánh tông cũng đã dành sự quan tâm đăc biệt đến quê ngoại “Vua sai dựng Thuần Mậu đường ở xã Động Bàng để thờ tổ tiên bà. Năm Hồng Đức thứ 4 (1473), nhà Vua về Lam Kinh có vào bái yết tổ tiên bên ngoại ở Thuần Mậu đường” [1; tr.126]. Khi đã làm Hoàng Thái hậu, bà luôn “dạy thiên hạ tập thói kiệm cần, khuyên quan gia (nhà vua) giữ lòng khoan hậu. Thánh Tông hoàng đế là bậc hùng tài đại lược, thần vũ anh minh nhưng mỗi lần được hoàng hậu dạy bảo điều gì thì ngày đêm kính cẩn tuân theo” [2; tr.49].

        Thường ngày Hoàng thái hậu rất quan tâm đến cuộc sống của kẻ hầu người hạ và cuộc sống của Nhân dân, chăm làm điều thiện. “Trong cung kẻ sang người hèn đều gọi người là Phật sống. Thiếu phủ cung cấp vàng lụa đều ban cho mọi người xung quanh và giúp đỡ cho kẻ nghèo khó, hòm tủ thường trống rỗng, không có của cải dành riêng”. [2; tr.51]

        Khi Thái hậu về già thì vẫn khỏe mạnh “Đặc biệt khác với người thường là tuổi cao mà tóc không bạc, răng không rụng, mắt không mờ, nhan sắc không kém sút, vẫn đẹp như người trạc tuổi 40. Tuy danh vị sang mà làm việc thiện không biết mỏi, tuổi tác cao mà tinh thần càng sáng suốt. Tính vốn ham học, lại biết làm thơ, mỗi lúc nhàn rỗi lại đem kinh truyện ra dạy bảo đàn cháu nhỏ” [2; tr.51]

Hiện trạng mộ Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao

       Năm 1496, bà cùng Vua về Tây Kinh rồi mắc bệnh. Đến ngày 26 tháng 3 nhuận năm Bính Thìn (1496) (2), Thái hậu mất ở điện Thừa Hoa, thọ 76 tuổi. “ngày Thái hậu băng hà, trăm họ như có tang cha mẹ. Những người chầu hầu trong cung đình lại càng mến tiêc, bỏ trang sức, mặc đồ tang, ăn cơm rau, cài trâm gỗ, không còn phân biệt trong cung đình hay ngoài dân nữa” [2; tr.51]

        Quang Thục Hoàng Thái hậu “đối với Thái Tông thì công chăm lo giúp đỡ, đối với Thánh Tông thì có công sinh dưỡng cù lao, đối với Thánh thượng [Hiến Tông] thì tận tình mến thương. Đức sánh với trời đất, công rạng rỡ tam thánh” [2; tr.52].

       Trở về với lăng mộ của Hoàng Thái hậu thắp nén hương tri ân và ngắm nhìn bảo vật quốc gia bia “Khôn Nguyên Chí Đức” trong lòng mỗi người chúng ta càng thêm tự hào về quá khứ hào hùng của tiền nhân và kính phục trước tấm lòng, và đức độ của Người xưa./.

Chú thích:

1. Theo sách Đại Việt thông sử (Lê Quý Đôn) thì chị ruột của Thái hậu tên là Ngọc Xuân vào hầu vua Thái tông ở hậu cung. [1; tr.125]

2. Theo gia phả họ Ngô, làng Đồng Phang, Yên Định và Đại Việt thông sử (Lê Quý Đôn) thì Hoàng Thái hậu mất ngày 26 tháng 2 năm Bính Thìn (1496).

 Theo sách Lê Triều ngọc phả (Lê Xuân Kỳ, Lê Trung Tiến dịch) thì ngày Hoàng Thái hậu mất là 16 tháng 3 năm 1496.

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Quý Đôn toàn tập, (Tập 3) Đại Việt thông sử, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1978.

2. Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh, Lăng mộ- bia ký các Vua và Hậu còn lại ở Lam Kinh, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2015.

3. Lê Văn Toan, Nguyễn Văn Hải…Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, tập 2 Văn bia thời Lê Sơ, Nxb Thanh Hóa, 2013.

4. Lê Văn Viện, Các Vua và Hoàng hậu an táng ở Lam Kinh, Nxb Thanh Hóa, 2013.

Bài, ảnh: Trần Danh Hải

Cán bộ phòng Nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh


Audio Guide

www.ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh