Loading...
www.ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

GIÁ TRỊ ĐẶC BIỆT BẢO VẬT QUỐC GIA Ở LAM KINH


          Hệ thống bia ký các vị vua và Hoàng Thái hậu ở di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh tỉnh Thanh Hóa được xem là một trong những di sản văn hóa vô cùng giá trị mà ông cha ta đã để lại cho hậu thế. Đó là bia Vĩnh Lăng - bia của vua Lê Thái Tổ, bia Chiêu Lăng - bia của vua Lê Thánh Tông, bia Khôn Nguyên Chí Đức - bia của Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, bia Dụ Lăng - bia của vua Lê Hiến Tông và bia Kính Lăng - bia của vua Lê Túc Tông. Đây là những sử liệu quý không chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật, mà còn là minh chứng cho sự phát triển huy hoàng nhất của một triều đại phong kiến tự chủ ở Việt Nam.

         Các bia đá ở di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, tiêu biểu, điển hình về kỹ thuật điêu khắc, cầu kỳ công phu đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

         Bia Vĩnh Lăng: Ghi lại thân thế, sự nghiệp của Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi (1385 - 1433). Bia cách lăng mộ vua Lê Thái Tổ khoảng 300m về phía Tây Nam, bia dựng trên một gò đất rộng cao thoai thoải, gần hồ Tây, mặt tiền nhìn về hướng Nam. Bia được dựng vào tháng 10 năm 1433. Bia có kích thước lớn, với chiều cao 2,79m, rộng 1,94m, dày 0,27m, đặt trên lưng rùa có chiều dài 3,46m, rộng 1,94m, cao 0,90m, được làm bằng đá trầm tích nguyên khối. Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là một trong những tấm bia cổ to và đẹp nhất Việt Nam.

Toàn cảnh bia Vĩnh Lăng 

         Nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên bia cầu kỳ, công phu, đường nét chau chuốt, tỷ mỹ, chưa một tấm bia nào có thể sánh được.

Nội dung Văn bia ghi về gia tộc, thân thế, sự nghiệp và công đức của vua Lê Thái Tổ, cũng như đường lối đấu tranh khéo léo tài tình của nghĩa quân Lam Sơn trong suốt 10 năm trường kỳ kháng chiến đánh đuổi giặc Minh dành lại độc lập cho dân tộc (1418 - 1427). Người soạn văn bia là Nguyễn Trãi - danh nhân văn hóa thế giới, đồng thời cũng là một công thần khai quốc bậc nhất của triều Lê Sơ.

          Bia Chiêu Lăng: Ghi về thân thế, sự nghiệp, công trạng của Hoàng đế Lê Thánh Tông (1442 - 1497).

        Bia được dựng vào mùa Xuân năm Mậu Ngọ, niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498), đời vua Lê Hiến Tông. Bia và rùa được làm bằng đá xanh nguyên khối, nặng khoảng 13 tấn. Nghệ thuật chạm khắc trên bia rất cầu kỳ công phu, sắc xảo. Chính giữa trán bia khắc một hình rồng lớn, cuộn tròn, mặt hướng ra ngoài, hai bên khắc hai rồng mặt hướng chầu vào rồng lớn ở giữa. Diềm bia trang trí mỗi bên 6 hình rồng uốn lượn, miệng há to, phun ra các đao lửa đang trong tư thế bay lên. Tất cả các họa tiết chạm khắc rồng, đao lửa trên bia đã đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật chạm khắc đá thời Lê Sơ thế kỷ XV.

Toàn cảnh bia vua Lê Thánh Tông

        Văn bia mô thuật về thân thế, sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông, một vị vua có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thịnh trị, là hiện thân của một thời đại hoàng kim của Quốc gia Đại Việt, với mỹ danh “Hồng Đức Thịnh thế”.  

         Nếu người soạn nội dung văn bia Vĩnh Lăng là văn thần lừng danh tên tuổi - Nguyễn Trãi, thì người soạn văn bia Chiêu Lăng, bia Khôn Nguyên              Chí Đức, bia Dụ Lăng, bia Kính Lăng lại là các nhà khoa bảng nổi danh, những danh Nho đức cao vọng trọng: Thân Nhân Trung, Đàm Văn Lễ, Lưu Hưng Hiếu, Nguyễn Bảo, Nguyễn Xung Xác, Nguyễn Nhân Thiếp, Phạm Thịnh, Trình Chí Sâm đứng ra hợp soạn. Đây chính là áng văn chương bất hũ, văn từ được viết cô đọng, xúc tích, chuẩn xác, phù hợp với lĩnh vực thể loại văn bia do nhà nước đứng ra tạo lập.

Toàn cảnh bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao

        Bia Khôn Nguyên Chí Đức: Tôn vinh Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Bia được khởi dựng ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498) đời vua Lê Hiến Tông, trên một gò đất rộng cao thoai thoải, nhìn về hướng Đông Nam, cách lăng Hoàng Thái hậu khoảng 70m.

Khi Hoàng Thái hậu băng hà, bia Khôn Nguyên Chí Đức ghi: “đức độ của bà sánh ngang trời đất, có công với cả ba vua (Thái Tông, Thánh Tông, Hiến Tông). Thái hậu thật xứng đáng là người đứng đầu trong các vương hậu của nước Đại Việt”. (Trích văn bia Khôn Nguyên Chí Đức chi bi).

(Hình ảnh bia Khôn Nguyên Chí Đức chi bi)

Toàn cảnh bia vua Lê Hiến Tông

         Bia Dụ Lăng: Được dựng năm 1504, ghi về cuộc đời và công lao, sự nghiệp của vua Lê Hiến Tông - vị vua thứ 5 của triều đại Lê Sơ. Đây là vị vua có nhiều công lao trong việc gìn giữ những thành quả từ thời Thái Tổ gây dựng. Vua thường nói: “Thánh tổ ta mở dựng cơ đồ, phụ hoàng sửa trong dẹp ngoài quy mô đã định, ta việc gì phải thay đổi khuyếch trương, chỉ tuân giữ cơ nghiệp cũ bồi đắp mở mang cho rạng rỡ to lớn để tỏ rõ lệnh đức của tổ khảo ta”. Thế nên trong thời gia này, đất nước yên ổn không loạn lạc, là bậc vua giỏi trong việc gìn giữ thành quả dựng nước của cha ông.

         Bia Kính Lăng: Ghi công trạng của vua Lê Túc Tông, vị vua cuối cùng của triều Lê Sơ được đưa về Lam Kinh an táng.

       Bia dựng trên điểm cao của gò đất hướng Nam, cách lăng mộ khoảng 100m, thuộc quần thể khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cách khu trung tâm Lam Kinh khoảng 4km về phía Đông (thuộc thôn Thọ Phú, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc).

Toàn cảnh bia vua Lê Túc Tông

        Văn bia ca ngợi về một vị vua anh minh, đức độ: “Túc Tông Nhượng Hoàng đế, thiên tính thông minh, hiếu nghĩa, yêu thương muôn loài, đối với các quan thì cư xử đúng mực, điềm đạm mà liêm chính. Vì thế mà trăm quan cung kính, mọi việc tốt lành. Trị vì công hiệu, gìn giữ quy củ, có thể kế nối thánh nhân thuở trước, mở ra cơ nghiệp cho đời sau”. (Trích văn bia Kính Lăng)

        Có thể nói, năm Bảo vật quốc gia ở Lam Kinh với những đặc trưng tiêu biểu, là hiện vật độc bản có giá trị lịch sử và phong cách nghệ thuật cao, là minh chứng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ nhất thời Hậu Lê. Vì thế, ngày nay du khách tìm về với Lam Kinh không chỉ để dâng hương tưởng niệm các vua, hoàng tộc nhà Lê, hay ngắm nhìn cảnh quan, các công trình kiến trúc điện miếu nguy nga, mà phần lớn là muốn được chiêm ngưỡng và tìm hiểu về các bảo vật này.

Tài liệu tham khảo:

1. Đại việt sử ký toàn thư, tập 2, tập 3, Nxb Khoa học xã hội, năm 2009

2. Lăng mộ - bia ký các Vua và Hậu còn lại ở Lam Kinh, Nxb Hồng Đức, năm 2015.

3. Khu di tích Lam Kinh, Nxb Văn hóa Thông tin, năm 2010

Bài, ảnh: Trần Thị Chung

Cán bộ phòng nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh

 


Audio Guide

www.ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh