Loading...
www.ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

ĐỀN THỜ VÕ UY


Võ Uy người thôn Thụ Mệnh, trước kia thường đi chăn voi ở đèo Trịnh Cao, vì thời vận không may nên trốn về ở với Lê Lợi và trở thành gia thần của trại chủ Lê Lợi. Sách Lam Sơn Thực Lục có viết: “Chỉ có vua là người đứng đầu một ấp, làm nghề cày ruộng, thường sai các người nhà là Trương Lôi, Võ Uy, Trịnh Vô cày cấy ở động Chiêu Nghi”.

Tuy là một gia thần trong gia đình Lê Lợi, nhưng Võ Uy vốn là người có chí khí cao cả, dũng cảm và mưu lược, nên sớm trở thành một trong số những tay chân đắc lực và tin cậy của Lê Lợi. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những này đầu khi còn trong trứng nước và trở thành một trong số 18 người cùng Lê Lợi tổ chức Hội thề ở Lũng Nhai vào năm 1416. Trong hội thề, tên ông đứng thứ 11.

Lúc chưa khởi nghĩa, giặc Minh theo tên Đỗ Phú (việt gian) chỉ đường đến xứ Phật Hoàng đào mả thân phụ của Lê Lợi ở động Chiêu Nghi, lấy linh xa treo ở sau thuyền nhằm dụ Động Chủ Lê Lợi ra hàng. Lê Lợi sai Võ Uy cùng các công thần Trương Lôi, Trịnh Khả, Nguyễn Nhữ Lãm, Lê Liễu,… tất cả 14 người đang đêm đội cỏ gai bơi xuôi theo dòng nước đến doanh trại của giặc, nhân lúc giặc sơ hở đã lấy lại được hài cốt linh xa đem về cùng vua bí mật đem chôn cất ở động Chiêu Nghi chỗ cũ.

Năm Giáp Thìn (1424), theo kế sách của tướng Nguyễn Chích, nghĩa quân Lam Sơn đã chuyển hướng chiến lược tiến đánh vào Nghệ An làm đất dừng chân. Trong lần tiến quân này, Võ Uy được Lê Lợi giao cho trọng trách làm tướng tiên phong triệt hạ đồn Đa Căng, mở đường cho nghĩa quân tiến thẳng vào giải phóng Nghệ An. Mặc dù giành thắng lợi, nhưng Võ Uy đã bị hi sinh trong trận giao chiến này.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hoàn thành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Võ Uy được ban Quốc tính mang họ Vua (họ Lê), tặng Nhập nội thiếu úy.

Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), khi Lê Thái Tổ sai khắc biểu ban thưởng cho các công thần có công từ hồi Lũng Nhai, ông được ban chức An mỹ hầu.

Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), đời vua Lê Thánh Tông Võ Uy được phong tặng tước Tuy Tiết hầu và sau thăng là Tuy quốc công.  

Về sau con cháu Võ Uy đều là những người có nhiều công lao giúp nhà Lê Trung Hưng như: Bổ Thịnh Hầu Võ Thời An, Trấn Dũng Hầu Võ Đình Tung, Khánh Khê Hầu Võ Đình Thắng, Hào Lộc Hầu Võ Đình Tiến…

Theo gia phả dòng họ Võ ở thôn Ngọc Uyên, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống thì, Võ Uy hi sinh tại trận đánh ở Yên Định vào năm Giáp Thìn (1424), được phong Nhập nội Thiếu úy, sau phong là An Mĩ Hầu, Tuy Quốc công, có đền thờ, lăng mộ ở Lam Sơn, sau này con cháu dời mộ về Đa Căng - Nông Cống cùng với 45 trang trưởng là con cháu Võ Uy, còn đền thờ ở thôn Ngọc Uyên, xã Tân Phúc.

Sau khi Võ Uy hi sinh, tại các nơi là trang trại của ông đều lập đền thờ, tuy nhiên trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử mà đền thờ ông ở nhiều nơi không còn, hiện nay chỉ còn ở thôn Ngọc Uyên, xã Tân Phúc còn đền thờ ông.

Đền thờ Võ Uy hay còn gọi là Đình làng Ngọc Uyên, vì ông là "bậc công thần có công mở nước" nên được nhân dân tôn thờ là thần giúp nước và cũng là thành hoàng của làng.

Vào thời Lê Sơ thế kỷ XV, thôn Ngọc Uyên thuộc trang Đại Bằng Tộc, xã Đội Trưởng. Đến thời kỳ Lê Trung Hưng, thôn Ngọc Uyên lại thuộc xã Tuy An, huyện Nông Cống, nay là làng Ngọc Uyên, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Đây là vùng đất cổ có từ lâu đời, xưa kia còn là Lộc điền của cha con đại quan lang Lê Hiểm, Lê Hiêu, là công thần Bình Ngô khai quốc triều Lê thế kỷ XV.

Theo lý lịch di tích do Bảo Tàng Thanh Hóa lập ngày 5/8/1994 thì, đền thờ Vũ Uy được xây dựng vào thời Lê thế kỷ XVI- XVII.

Đền thờ Võ Uy nằm trong khuôn viên đất khá bằng phẳng với diện tích là 450m2, với chiều rộng 18m, chiều dài 25m, xung quanh có tường bao, cổng ra vào. Đền là ngôi nhà gồm 5 gian, có chiều dài 14,2m, chiều rộng 7,1m, quay mặt về hướng Nam. Kiến trúc của đền xây dựng theo lối kiến trúc nhà gỗ truyền thống. Đây là công trình được xây dựng vào thời Lê, thế kỷ XVI - XVII, nhưng đã được sửa chữa tôn tạo nhiều lần. Song cơ bản công trình chủ yếu vật liệu bằng gỗ nên cấu trúc không còn nguyên sinh như xưa. Hai đầu hồi bị sạt đã phải tháo gỡ chái chùa, bỏ tàu đao mái cong mà thay thế bằng hai đốc xây gạch. Ba gian giữa cơ bản kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn. Hai vì giữa kết cấu con ngang, kẻ chuyền vì kè sau, vì trước là bẩy hiên. Trên nóc là giá chiêng, câu đầu khóa 2 cột cái không có lòng mà chỉ có 2 nách trước sau. Hai vì giữa kết cấu 5 cột gỗ.

Hai vì bên có lòng, nách trước sau. Phần giá chiêng hai hồi chạm nổi hình đầu rồng hóa (gọi là hổ phù), nét chạm chau chút, tinh xảo, khỏe mạnh. Bốn bẩy trước chạm trổ hình long hóa ở 2 mặt cầu kỳ, đối xứng là hình rồng vươn lên với hình dáng khỏe mạnh, các lớp vẩy, ria chạm cầu kỳ chau chút, xen lẫn các hình vân hóa bay bổng...

Bốn mặt bẩy chạm xen kẽ tứ linh (long, ly, quy, phượng), cùng với tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Đặc biệt các bức Xuân Hoa ở 3 gian cùng chạm nổi rồng chầu mặt trời.

Gian chính giữa là nơi thờ Võ Uy, hiện vẫn còn long ngai, thần vị; Gian bên tả thờ các vị trang trưởng, còn bên hữu thờ Võ Thời An là con cháu Võ Uy, là trang trưởng trang Ngọc Uyên .

Phía trước đền là sân gạch, sân có chiều dài 18m, rộng 15m. Tiếp đến là bức bình phong nằm ngay chính giữa cổng ra vào. Bên ngoài bức bình phong là cổng, được xây theo kiểu cuốn vòm (kiểu cũ).

Đền thờ Võ Uy là công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng từ thời Lê Sơ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Mặc dù đã qua nhiều lần tu sửa, song vẫn giữ được nét sơ khai của nó. Ngoài đền thờ Võ Uy ở thôn Ngọc Uyên làng Thanh Ban, xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống còn có lăng mộ, bia ký của 45 trang trưởng của Võ Uy còn tương đối nguyên vẹn, trong đó 01 tấm bia được dựng vào triều Lê Trung Hưng, còn 02 tấm dựng vào thời Nguyễn. Ba tấm bia này đã khẳng định Võ Uy và con cháu dòng tộc họ Võ trên cả nước đã có nhiều công lao trong việc xây dựng đất nước dưới triều Lê còn lưu danh đến ngày nay.

Ba tấm bia này thường gọi là nhóm bia Đa Căng - Thanh Ban, đó là các bia:

- Thanh Ban bi kí: Bia dựng ngày mùng 1 tháng 2 năm Cảnh Trị thứ 5 (1667)

- Đa Căng lăng mộ bi chí: Bia được dựng ngày 16 tháng 2 năm Nhâm Thìn, đời vua Thành Thái (1892)

- Đa Căng miếu bi: Bia dựng năm Thành Thái thứ 15 (1905).

Hàng năm theo thông lệ cứ đến ngày 16/2 âm lịch con cháu dòng tộc họ Võ - Võ Uy và con cháu các trang trưởng lại kéo nhau về đền thờ Võ Uy dâng hương tưởng niệm, để ôn lại truyền thống của cha ông trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, đây cũng chính là cơ hội để nhắc nhở con cháu sau này phải có trách nhiệm với quê hương đất nước để không phụ công lao của tổ tiên mình.

Có thể nói, Đền thờ Võ Uy không chỉ là di tích lịch sử văn hoá – nơi vinh danh, tưởng niệm những người có công với đất nước mà đây còn là công trình kiến trúc nghệ thuật cổ. Chính đền thờ và lăng mộ, bia kí Võ Uy và 45 trang trưởng, (tức 45 vị đứng đầu các  trang trưởng), đây là những chứng tích cụ thể về dòng họ Vũ ở Thanh Hóa đã có công trong việc chống ngoại xâm xây dựng đất nước từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVIII. Đây cũng là địa chỉ đỏ để nhân dân cả nước nói chung và con cháu dòng họ Vũ nói riêng trở về tri ân, thành kính. 

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2.

2. Đại Việt thông sử - Lê Qúy Đôn, tập 2.

3. Danh tướng Việt Nam - Nguyễn Khắc Thuần, tập 2.

4. Khởi nghĩa Lam Sơn - Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn

5. Lý lịch di tích đền thờ Vũ Uy

6.Gia phả dòng họ Vũ Uy ở xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa


Audio Guide

www.ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh