Loading...
www.ditichlamkinh.vn

Lời ngỏ

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây. Nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê - nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV …

BÙI BỊ - VỊ KHAI QUỐC CÔNG THẦN THỜI HẬU LÊ


Theo sử cũ, Bùi Bị xuất thân từ xã Hào Lương, huyện Lương Giang (nay thuộc huyện Thọ Xuân , tỉnh Thanh Hóa). Hiện nay vẫn chưa rõ Ông sinh năm nào, cuộc đời ông được biết đến kể từ khi ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Ông không có tên trong danh sách những người tham dự Hội thề Lũng Nhai, cũng không có tên trong số các vị tướng lĩnh thường được nhắc tới nhiều trong những ngày đầu gian khổ nhất. Có lẽ sự nghiệp của Bùi Bị bắt đầu từ vị trí khiêm nhượng của một nghĩa sĩ Lam Sơn. Chí lớn và lòng dũng cảm của bản thân, cộng với kinh nghiệm thực tiễn sôi động của cuộc chiến đấu đương thời đã nâng Bùi Bị lên hàng các bậc danh tướng.

              Theo sử cũ, Bùi Bị xuất thân từ xã Hào Lương, huyện Lương Giang (nay thuộc huyện Thọ Xuân , tỉnh Thanh Hóa). Hiện nay vẫn chưa rõ Ông sinh năm nào, cuộc đời ông được biết đến kể từ khi ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Ông không có tên trong danh sách những người tham dự Hội thề Lũng Nhai, cũng không có tên trong số các vị tướng lĩnh thường được nhắc tới nhiều trong những ngày đầu gian khổ nhất. Có lẽ sự nghiệp của Bùi Bị bắt đầu từ vị trí khiêm nhượng của một nghĩa sĩ Lam Sơn. Chí lớn và lòng dũng cảm của bản thân, cộng với kinh nghiệm thực tiễn sôi động của cuộc chiến đấu đương thời đã nâng Bùi Bị lên  hàng các bậc danh tướng.

            Năm 1418 Ông cùng Trịnh Khả dùng mưu lừa giặc Minh để dành lại hài cốt của tổ tiên Lê Lợi, hai ông đã bí mật đội cỏ lội sông, nhân lúc giặc ngủ say, lên thuyền lấy hài cốt của tổ tiên Lê Lợi mang về. Chiến công của Trịnh Khả và Bùi Bị có tác dụng to lớn trong việc củng cố niềm tin của nhân dân và quân sĩ lúc bấy giờ đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

          Cùng năm ấy, ngày 17 tháng giêng Việt gian tên là Ái dẫn  đường, quân Minh lại tấn công ồ ạt vào Lam Sơn "chúng bắt được gia thuộc của Vua cùng vợ con rất đông"(1) . Lê Lợi cùng các tướng lớn nhỏ và lực lượng nghĩa sĩ còn lại ẩn náu ở  Linh Sơn" chờ giặc lui quân  mới về đắp lũy ở quê cũ là Lam Sơn"(1) trong thời gian này lực lương quân Lam Sơn được củng cố, các cuộc chiến ở Mương Một, Mường Nanh,  Nga Lạc Thượng, Hả Đả và Mỹ Canh,trong trận chiến ở Mỹ canh ta bắt được tướng giặc là Nguyễn Sao, chém được hơn một ngàn tên giặc. Một trong những tướng có công lớn đó là Bùi Bị, từ đây Bùi Bị trở thành một trong những bề tôi thân cận của Bình Định Vương Lê Lợi(1)

          Tháng 4 năm 1425 sau khi đánh tan đạo viện binh của giặc do Lý An chỉ huy, từ  Tây Đô  tiến vào cứu nguy cho thành Nghệ An, Lê Lợi  chủ trương  cho quân bất ngờ tấn công thẳng ra Tây Đô. Các tướng lĩnh Đinh Lễ, Lê Sát, Bùi Bị, Lý Triện và Lưu Nhân Chú được lệnh đem 2000 tinh binh và hai thớt voi gấp rút đi thực hiện nhiệm vụ này. Với cuộc hành quân kiên quyết, táo bạo và cấp tốc, Bùi Bị cùng các tướng  đã giải phóng được hầu hết đất Thanh, từ Thanh Hóa trở vào Nam đã thuộc về nghĩa quân Lam Sơn. Với chiến công ấy là cơ hội đưa Lam Sơn từ một cuộc khởi nghĩa vũ trang phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng có quy mô cả nước đã bắt đầu mở ra.

          Tháng 9 năm 1426 Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định đưa hơn một vạn quân tiến vào sào huyệt lớn nhất của giặc ở thành Đông Quan. Bùi Bị có vinh dự được cùng với các tướng Lưu Nhân Chú, Lê Trương, Lê Ninh chỉ huy đạo quân thứ 2 với nhiệm vụ:

          - Băng qua đất Nam Hà ngày nay, tiến xuống vùng Thái Bình và Hải Hưng ngày nay, giải phóng vùng hạ lưu sông Hồng, hỗ trợ đắc lực cho đạo quân thứ nhất và đạo quân thứ ba hoạt động.

         - Sẵn sàng đợi đánh lực lượng của giặc, nhất định sẽ từ Nghệ An và Tây Đô tháo chạy ra.

          Sau đó Bùi Bị và Lưu Nhân Chú được lệnh đem hơn ba nghìn quân và hai thớt voi tiến sang đánh phá vùng Đông và Đông Bắc thành Đông Quan, đồng thời sẵn sàng đánh chặn viện binh của giặc Minh đi qua Khâu Ôn  tràn sang. Đây chính là cơ hội thuận tiện cho chiến thắng vang dội ở Tốt Động - Chúc Động.

Sau trận đại thắng Tốt Động - Chúc Động, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đã chuyển đại bản doanh từ Thanh Hóa ra Bắc. Bùi Bị và Trần Nguyên Hãn được lệnh đem hơn một trăm chiến thuyền, đánh mạnh vào khu vực Hát Môn do tướng giặc là Vương Thông cầm đầu. Bùi Bị , Lê Nguyễn, Lê Chửng được giao nhiệm vụ vây hãm cửa Tây.

          Cuối năm 1427,Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định: vừa tiếp tục bao vây và dụ hàng Vương Thông, vừa nhanh chóng điều quân lên biên giới, đập tan hoàn toàn cuồng vọng của quân xâm lăng. Lúc bấy giờ, Bùi Bị được cử ở lại để chỉ huy lực lượng vây hãm thành Đông Quan. Một lần nữa ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không cho phép Vương Thông có thể lợi dụng cơ hội để phản công.

          Ngày 10 tháng 12 năm 1427 (tức ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi) Tại đây hội thề Đông Quan đã diễn ra, quân giặc phải thề sẽ rút quân ra khỏi nước ta và tướng Bùi Bị là một trong số 13 tướng ngoài Lê Lợi cùng tham gia.

          Cũng như các tướng lĩnh khác, Bùi Bị đã tỏ ra rất xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao của Lê Lợi và của Bộ chỉ huy Lam Sơn. Ông là một vị tướng quân dày dặn kinh nghiệm trận mạc.

          Năm 1428 khi Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, năm Thuận Thiên thứ nhất, trong buổi xét công ban thưởng cho các tướng lĩnh lập được nhiều công lao. Bùi Bị được ban quốc tính mang họ Vua, vì thế sử vẫn thường chép họ tên ông là Lê Bị. Ông là một trong số các Công Thần Khai Quốc, được ban tước Huyện Hầu. Bấy giờ có 14 người được ban tước này, và ông là người được đứng hàng đầu tiên trong số 14 người.

Chú thích: (1).trích Lam Sơn thực lục, quyển 1

 

 

          Tài liệu tham khảo:

    1. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí - Phan Huy Chú

    2. Đại Việt Thông sử - Lê Quý Đôn

    3. Danh tướng Việt Nam - Nguyễn Khắc Thuần

    4. Đại Việt sử ký toàn thư - Viện khoa học xã hội Việt Nam

    5. Họ Lê 4000 năm lãnh đạo và xây dựng đất nước.


Audio Guide

www.ditichlamkinh.vn

Thống kê

        Hướng dẫn tìm đường

 

 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh
 
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh