Khu di tích Lam Kinh
THÂN THẾ SỰ NGHIỆP TRỊNH KHẮC PHỤC KHAI QUỐC CÔNG THẦN NHÀ HẬU LÊ
Trịnh khắc phục quê làng Thủy Chú, huyện Lôi Dương (nay thuộc xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Trịnh Khắc Phục là con trai Trịnh Nhữ Lưỡng, mẹ là Lê Thị Ngọc Tá. Trong Địa chí Thanh Hoá Phần nhân vật chí ghi: “Trịnh Khắc Phục gọi Lê Lợi là cậu ruột” (3). Hiện nay chưa rõ ông sinh vào năm nào, chỉ biết rằng ông đã theo Lê Lợi ngay từ buổi đầu trong khởi nghĩa Lam Sơn. Trịnh Khắc Phục tuy ít tuổi nhưng là người có tài nên được Bình Định Vương Lê Lợi trọng dụng và tin tưởng giao cho những trọng trách quan trọng.
Tháng 11 năm 1418, quân Minh đem hơn 10 vạn binh đến ải Kình Lộng (nay thuộc huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Ngay trong đêm đó, lợi dụng quân địch mệt mỏi, Lê Lợi chia quân đánh úp, phá được 4 doanh trại giặc. Quân Minh bị tập kích bất ngờ, đành phải rút lui. Trong trận đánh này, Trịnh Khắc Phục là một trong những vị tướng tham gia chỉ huy.
Đặc biệt sau thời gian chuyển hướng chiến lược vào Nghệ An theo kế sách của Nguyễn Chích, nghĩa quân Lam Sơn liên tục giành được nhiều chiến thắng vang dội. Trịnh Khắc Phục cùng nhiều võ tướng khác được Lê Lợi giao cho nhiệm vụ lúc đưa quân vào đánh úp ở Thuận Hóa, lúc lại hành quân thần tốc ra Bồ Đề (Gia Lâm - Hà Nội ngày nay) để bao vây Vương Thông, buộc quân Minh phải cầu cứu viện binh. Trong tình thế cấp bách, triều đình nhà Minh đã điều tướng An Viễn Hầu Liễu Thăng đem 10 vạn quân theo đường Khâu Ôn tiến sang giải vây.
Đến tháng 9 năm 1427, Trịnh Khắc Phục cùng Lưu Nhân Chú được Lê Lợi sai dẫn khoảng một vạn quân kéo thẳng đến ải Chi Lăng phục sẵn chổ hiểm yếu. Quân Lam Sơn sai người ra khiêu chiến trước, giả vờ thua bỏ chạy, dụ Liễu Thăng thân chinh đốc xuất đại quân đuổi theo, vừa đến chổ quân ta phục kích Trịnh Khắc Phục, Lưu Nhân Chú cùng các tướng sỹ bốn bề nổi dậy xông vào đánh giặc, quân giặc thua to, chém được Liễu Thăng và hơn một vạn thủ cấp quân giặc ở núi Mã Yên (núi Yên Ngựa), nằm ở phía Nam cánh đồng Chi Lăng.
Có thể nói, thắng trận Chi Lăng - Xương Giang là cơ sở quan trọng để sau đó buộc Vương Thông phải chấp nhận quỳ gối xin hàng, mở Hội thề Đông Quan, rút quân về nước.
Với những chiến công đó, sau khi đất nước khải hoàn, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, thiết lập vương triều Hậu Lê. Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), vua Lê Thái Tổ cho khắc biển ghi tên các công thần khai quốc, Trịnh Khắc Phục được ban quốc tính, tước Phục Hầu. Cuối đời vua Lê Thái Tổ, Trịnh Khắc Phục được giữ chức Hành Khiển Nam đạo.
Năm 1433, vua Lê Thái Tổ mất, Lê Thái Tông lên nối ngôi khi mới 11 tuổi, quyền hành thực sự đều do Đại tư đồ Lê Sát nắm giữ. Lê Sát không ưa Lưu Nhân Chú nên nghi ngờ Trịnh Khắc Phục cùng phe với Lưu Nhân Chú nên cho bãi chức Hành Khiển Nam đạo của ông, cho làm Phán Đại tông chính tự.
Năm 1443, Trịnh Khắc Phục lại được tiến phong làm Nhập Nội Thiếu phó, cho quyền tham dự triều chính.
Năm 1446, vua Chiêm Thành là Bí Cai đem quân đánh cướp Châu Hóa, vua sai Nhập Nội Đô Đốc Bình Chương Lê Thụ, Trịnh Khả và Nhập Nội Thiếu Phó tham dự triều chính Trịnh Khắc Phục đem hơn 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Quân đội nhà Lê đã đánh phá tan được thành Chà Bàn, bắt sống vua Chiêm là Bí Cai và các phi tần, bộ thuộc, ngựa, voi, quân nhu, cầm tù các tướng sỹ rồi đem quân về. Sau thắng lợi này Trịnh Khắc Phục được thăng làm Tư Khấu.
Đến tháng 5 năm 1448, nước Chiêm Thành sai sứ mang Quốc thư và sản vật sang tiến cống. Vua Lê ban yến ở sứ quán, sai Trịnh Khắc Phục làm chủ lễ chiêu đãi. Cùng năm ấy, Tư Khấu Trịnh Khắc Phục được vua cho làm Đề điệu Quốc Tử Giám. Với cương vị là Đề điệu Quốc Tử Giám, Trịnh Khắc Phục vì muốn ngăn chặn nạn khảo quan tư túi, làm sai phép nước nên đã xin với vua bắt khảo quan phải uống máu ăn thề không ai được tư tình, thiên vị. Vua nghe theo, từ đó thành lệ khảo quan phải làm lễ tuyên thệ khi triều đình mở khoa thi.
Tháng 6 năm 1448, Trịnh Khắc Phục cùng với công chúa Ngọc Lan tâu xin với vua Lê Nhân Tông tha cho Tư Mã Đinh Liệt vì bị người ta vu oan cho là làm phản nên cả nhà bị kết tội. Nhờ có công xướng xuất của Trịnh Khắc Phục mà Đinh Liệt và cả gia đình ông được tha tội.
Tháng 2 năm 1449, Triều đình sai Tư Khấu Trịnh Khắc Phục đem người các cục Bách tác, quân vệ Thiên Quan, Tứ sương và quân dân trấn Thái Nguyên đào lại sông Bình Lỗ (tức là sông Cà Lồ, thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Tháng 7 năm 1449, sứ Chiêm thành sang giao hảo, vua Lê Nhân Tông lại sai Tư Khấu Trịnh Khắc Phục và Tả hữu Nạp ngôn Nguyễn Mộng Tuân hỏi vặn sứ Chiêm Thành về việc sau khi Bí Cai bị bắt, đã xin lập Qúy Lai làm vua, chưa quay xong lại giết đi mà lập Qúy Do, thế là phản phúc bất trung, xem vua như quân cờ, sứ Chiêm Thành đuối lý không trả lời được, chỉ cúi đầu lạy tạ.
Năm 1451, Trịnh Khắc Phục bị quy tội kết đảng làm phản và bị giết hại. Bấy giờ thiên hạ đều cho là bị oan.
Đến tháng 11 năm 1453, khi vua Lê Nhân Tông đích thân trông coi chính sự đã minh oan cho Trịnh Khắc Phục và Trịnh Khả, cấp cho 100 mẫu quan điền và khôi phục chức tước.
Với tài năng, công lao cống hiến của Trịnh Khắc Phục cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng như suốt ba triều vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông nên cuối cùng công lao và danh dự của Ông đã được trả lại đúng như sự thật vốn có của nó. Năm 1486, vua Lê Thánh Tông truy phong cho Ông tước Thái Bảo Ngọc Quận công. Đến các đời vua sau đều truy phong và sắc phong cho Trịnh Khắc Phục những danh dự cao quý.
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2.
2. Khởi nghĩa Lam Sơn - GS Phan Huy Lê, GS. Phan Đại Doãn
3. Địa chí Thanh Hóa, tập 4, Nhân vật chí
Audio Guide
Thống kê
KHU DI TÍCH LAM KINH
Thị trấn Lam Sơn - Thọ Xuân - Thanh Hóa
0932.355.264
0932.355.264
info@lamkinh.vn
LIÊN KIẾT FACEBOOK
Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh