Khu di tích Lam Kinh
QUAN CHẾ ĐỜI HỒNG ĐỨC
Vua Lê Thánh Tông húy là Tư Thành, sinh ngày 20 tháng 7 năm Đại Bảo thứ 3 (1442). con trai thứ tư của Lê Thái Tông, mẹ là Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Hoàng tử Tư Thành có “Thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang thật là bậc thông minh, xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước”1.
Vua là người rất chăm học, thông minh, ít nói, khiêm tốn, có sức thu phục, cảm hóa mọi người. Năm Thái Hòa thứ 3 (1445) được phong làm Bình Nguyên Vương. Ngày 8 tháng 6 năm Canh Thìn (1460) lên ngôi ở điện Tường Quan, xưng là Nam Thiên Động chủ, lấy ngày sinh nhật là Xùng thiên thánh tiết. Đổi niên hiệu hai lần: Quang Thuận và Hồng Đức.
Khi lên ngôi Hoàng đế (1460), Lê Thánh Tông đã làm cho nước ta “Văn vật khả quan, mở mang đất đai bờ cõi khá rộng, thật là vị anh hùng tài lược, dẫu vũ đế nhà Hán, Thái tông nhà đường cũng không thể hơn được”2.
Lê Thánh Tông là người hết sức chăm lo đến đời sống của Nhân dân, đặc biệt ưu đãi kẻ sĩ, ông rất coi trọng và đẩy mạnh việc giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước, ông coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Bởi vậy, thời Lê Thánh Tông có nhiều nhân tài và cũng để lại hậu thế nhiều tác phẩm nổi tiếng có giá trị như: Luật Hồng Đức, Đại việt sử ký, Thiên Nam dư hạ, Hồng Đức quốc âm thi tập… Không những thế ông còn là chủ soái của Hội Tao Đàn “Nhị Thập bát tú” gồm 28 người nổi tiếng về văn chương.
Trong 38 năm trị vì của mình, Lê Thánh Tông đã xây dựng thiết chế quân chủ tập quyền cao độ nhằm tập trung quyền lực vào tay Hoàng đế. Bên cạnh đó, ông còn soạn thảo ra nhiều bộ luật hành chính để trị nước, và ông cho xét định lại quan chế, quy định lại các chức tước, phẩm trật cho từng loại quan chức, văn cũng như võ; từ trong hoàng tộc đến các thần dân; từ trong kinh đo đến ngoài các xứ; từ trung ương đến chí các địa phương.
Quan chế đời Hồng Đức
Văn Giai:
Chánh nhất phẩm: Ba chức [thái sư, thái phó, thái bảo].
Tòng nhất phẩm: Ba chức [thái tử thái sư, thái tử thái phó, thái tử tahí bảo].
Chánh nhị phẩm: Ba chức [thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo].
Tòng nhị phẩm: Thượng sư sáu bộ, ba chức [thái tử thiếu sư, thái tử thiếu phó, thái tử thiếu bảo].
Chánh tam phẩm: Đô ngự sử.
Tòng tam phẩm: Tả hữu thị lang, Tôn nhân phủ tả hữu tôn chính, tả hữu xuân phường, tả hữu dụ đức, thừa tuyên sứ.
Chánh tứ phẩm: Hàn lâm viện thừa chỉ, phó đô ngự sử, tả hữu trung doãn.
Tòng tứ phẩm: Đông các đại học sĩ, Quốc tử giám tế tửu, thông chính sứ, tham chính.
Chánh ngũ phẩm: Hàn lâm viện thị độc, thiêm đô ngự sử, tự khanh sáu tự, thiêm sự, Phụng thiên phủ doãn.
Tòng ngũ phẩm: Hàn lâm viện thị giảng, Đông các họa sĩ, Quốc tử giám tư nghiệp, tả hữu thuyết thư, tham nghị.
Chánh lục phẩm: Hàn lâm viện thị thư, Đông các hiệu thư, hiến sát sứ, lang trung sáu bộ, thiếu khanh sáu tự, Phụng Thiên thiếu doãn, đoán sự các vệ, kinh lịch năm phủ.
Tòng lục phẩm: Hàn lâm viện đãi chế, Bí thư giám điẻn thư, tả hữu tư giảng các vương phủ, viên ngoại lang sáu bộ, tri phủ.
Chánh thất phẩm: Hàn lâm viện hiệu lý, đề hình giám sát ngự sử, giám sát ngự sử mười ba đạo, đô cấp sự trung sáu khoa, tự thừa sáu tự, Phụng Thiên huyện úy, hiến sát phó sứ, trưởng sử các vương phủ.
Tòng thất phẩm: Hàn lâm viện kiểm thảo, thông phán, Bí thư giám điển hàn, tri huyện, tri châu.
Chánh bát phẩm: Tư huấn ở Nho lâm quán và Tú lâm cục, cấp sựu trung sáu khoa, Hàn lâm viện tu soạn, Quốc tử giám giáo thụ.
Chánh cửu phẩm:
Tòng cửu phẩm:
Võ Giai:
Chánh nhất phẩm: Ba chức [thái sư, thái phó, thái bảo] và thái úy.
Tòng nhất phẩm: Ba chức [thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo] và tả hữu đô đốc.
Chánh nhị phẩm: Thiếu úy, đô kiểm điểm, đề đốc, đô đốc đồng tri.
Tòng nhị phẩm: Đô đốc thiêm sự, tả hữu kiểm điểm, tham đốc.
Chánh tam phẩm: Đô chỉ huy sứ, đô tổng binh sứ.
Tòng tam phẩm: Đô chỉ huy đồng tri.
Chánh tứ phẩm: Đô chỉ huy thiêm sự, chỉ huy sứ, tổng binh thiêm sự.
Tòng tứ phẩm: Chỉ huy sứ đồng tri, tổng binh đồng chi, đô tri.
Chánh ngũ phẩm: Chỉ huy thiêm sự, lực sĩ hiệu úy, phó đô tri, tổng lĩnh, quản lĩnh, thiên hộ.
Tòng ngũ phẩm: Phó thiên hộ, trung úy, phó quản lĩnh.
Chánh lục phẩm: Phó trung úy, chánh võ úy, bách hộ, chánh dề hạt.
Tòng lục phẩm: Đề hạt, hiệu úy các nha, kinh lược đồng tri, phòng ngự sứ, tả hữu đề điểm.
Chánh thất phẩm: Phó võ úy, phó đề hạt.
Tòng thất phẩm: Vệ úy, phó vệ úy.
Năm thứ 10 (1479) vua đi đánh giặc miền Tây (tức là đánh Bồn Man), mới đặt danh hiệu tiết chế quân doanh, đặt thêm tên quan ký lục.
Năm thứ 24 (1493), định thứ tự triều ban của các quan văn võ. Những người cùng một phẩm thì quan cũ và quan nhiều tuổi đứng trước, quan mới và quan ít tuổi đứng sau. Những chức cai quản thì người phẩm thấp nhưng chức cao, người phẩm cao nhưng chức thấp, đều cứ theo chức mà đứng vào phẩm ban của mình.
Có thể thấy rằng, Lê Thánh Tông là một tài năng xuất chúng trên nhiều lĩnh vực, một con người có ý chí và nghị lực cao, có tính cách mạnh mẽ và quyết đoán. Tên tuổi và sự nghiệp của ông đã mãi đi vào lịch sử dân tộc như một vị “minh quân”, một Hoàng đế văn võ toàn tài, “là vị vua sáng lập chế độ”./.
Chú thích:
- 1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Khoa học xã hội nhân văn, năm 1998, tr. 393.
- 2. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Khoa học xã hội nhân văn, năm 1998, tr. 391.
Tài liệu tham khảo:
- Lê triều quan chế - Viện sử học và nhà xuất bản văn hóa – Thông tin, Hà Nội 1977.
- Lịch triều hiến chương loại chí – tập II – Nhà xuất bản Giáo dục.
- Quốc triều hình luật – Nhà xuất bản Tư Pháp, Hà Nội 2013.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục – Nhà xuất bản Giáo dục – 1998.
- Bài; Lê Thị Dịu
- Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK
Audio Guide
Thống kê
KHU DI TÍCH LAM KINH
Thị trấn Lam Sơn - Thọ Xuân - Thanh Hóa
0932.355.264
0932.355.264
info@lamkinh.vn
LIÊN KIẾT FACEBOOK
Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh