Khu di tích Lam Kinh

Loading...

NHÂN DÂN LANG CHÁNH VỚI CUỘC KHỞI NGHĨA LAM SƠN

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xứng và lãnh đạo kéo dài 10 năm (1418 – 1427) là một mốc son chói sáng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Các huyện miền Tây Thanh Hóa nói chung, Lang Chánh nói riêng rất tự hào vì đã có những đóng góp quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt, toàn diện và triệt để của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở thế kỷ XV.

Về mặt địa địa lý hành chính: “Thời Trần, vùng Lang Chánh thuộc đất Mường Một, huyện Nga Lạc (Châu Ái). Thời Lê, Lang Chánh có 14 động: Lô Hạ, An Khương, Lương Sơn, Khương Chính, Thổ Nang, Cự Lạc, Bất Một, An Nhân, Lò Sưởi, Sơn Cao, Giao Lão, Lô Thượng, Thọ Nghĩa và Thôn Luận. Năm Quang Thái thứ X, (1469) đổi làm trấn Thanh Đô. Thời Tây Sơn đổi là châu Lương Chính. Thời Nguyễn chia thành 4 tổng (8 mường). Minh Mệnh năm thứ 16 (1835) ghép huyện Thọ Xuân (cũ) với Lương Chính và lấy lại tên cũ Lang Chính. Minh Mệnh năm thứ 18 (1837) đổi “động” và “sách” là “xã” và “thôn”; cắt huyện Thọ Xuân (cũ) từ châu Lang Chính lệ vào châu Thường Xuân và đặt chức lưu quan. Sau Cách mạng Tháng tám năm 1945 đổi Lang Chính thành huyện Lang Chánh”.1

Nhìn chung, Lang Chánh là một vùng đất cổ nằm ở khu vực phía Tây Thanh Hóa, tiếp giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Đây là vùng rừng núi đại ngàn, hiểm yếu, có vị thế chiến lược quân sự quan trọng, được thể hiện rõ nét nhất trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV.

Năm 1416, Lê Lợi và 18 người bạn thân tín nhất cùng tâm huyết, chí hướng đã tổ chức Hội thề Lũng Nhai (tại làng Lũng Nhai, tức làng Lũng Mi, nay thuộc Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, cách Lam Sơn khoảng 10 km về phía Tây), đặt cơ sở cho sự hình thành tổ chức chỉ huy cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ngày 2 tháng 1 năm Mậu Tuất (1418), tại rừng núi Lam Sơn, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, cùng toàn thể nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa, truyền hịch kêu gọi nhân dân khắp nơi đứng lên giết giặc cứu nước.

Chỉ ít ngày sau khi Lê Lợi dấy cờ khởi nghĩa, đã diễn ra cuộc chiến không cân sức giữa một bên là nghĩa quân Lam Sơn mới thành lập còn thiếu thốn mọi bề, với một bên quân xâm lược Minh hùng hậu và thiện chiến.

Nhân dân vùng Lam Sơn và lực lượng nghĩa quân đã kiên cường chiến đấu chống lại quân Minh khi chúng vừa mới đến. Nhưng tương quan lực lượng quá chênh lệch. “Biết địch biết ta” Lê Lợi đã chủ động vừa chiến đấu vừa rút lui lên phía Tây để củng cố và bảo toàn lực lượng. Rời căn cứ Lam Sơn, nghĩa quân rút về Mường Mọt: “lúc chưa thắng Vua phải chạy vào rừng núi, trên bờ sông Khả Lam thuộc xứ Mường Mọt”. Đầu thế kỷ XV Mường Mọt  là một mường lớn  của châu Lang Chánh, ngày nay là vùng Bất Mọt huyện Thường Xuân. Đây là vùng rừng núi hiểm trở có các ống Khao, sông Âm là các nhanh sông nhập vào sông Lương. Nơi đây là khu vực cư trú của đồng bào dân tộc, chủ yếu là người Thái, cách khu vực Lam Sơn khoảng 25 – 30 km (theo đường chim bay), địa hình rất phức tạp”2.

Quân Minh ráo riết đuổi theo nghĩa quân. Tại đây những trận đánh chống lại sự càn quét đã diễn ra vô cùng ác liệt. Nghĩa quân phải vừa chiến đấu tiêu diệt vừa phải lo bảo toàn lực lượng. Quân địch huy động mọi lực lượng lùng sục hòng bắt Lê Lợi và tiêu diệt toàn bộ lực lượng nghĩa quân. Trong cuộc chiến đấu đầu tiên vô cùng ác liệt ấy, nghĩa quân Lam Sơn với cách đánh của mình và đặc biệt là sự ủng hộ giúp đỡ nhiệt tình của đồng bào các dân tộc ở Mường Mọt đã bước đầu thoát được sự bủa vây tiêu diệt của kẻ thù. Truyền thuyết sự tích “Hồ Ly” kể rằng: “Ta lúc ấy (nghĩa quân Lam Sơn) tướng thưa, quân ít, mà giặc thì đông đến hơn bốn vạn, năm nghìn bảy trăm tên, voi ngựa kể hàng trăm. Lúc chưa thắng, Vua (tức Lê Lợi) phải chạy vào rừng núi, trên bờ sông Khả Lam thuộc xứ Mường Mọt. Bỗng thấy một người con gái nằm chết ở đấy, mình còn mặc áo trắng, tay đeo xuyến vàng. Vua và bọn Liễu, Lôi ngửa mặt lên trời khấn rằng:

“Tôi bị giặc Minh đuổi gấp, xin thần giúp tôi thoát nạn, mai sau được thiên hạ sẽ lập đền thờ, nếu có mổ thịt tế lễ thì hãy cũng thần trước”3.

Chôn và đắp mộ chưa xong thì giặc xua chó ngao đến. Binh mã giặc đuổi vua gấp lắm. Trong rừng có một cây rất to, hốc rỗng suốt cả thân. Vua trốn vào đó, leo lên ngách hốc tầng cao. Lê Liễu, Trương Lôi nấp ở dưới, lấy đầu đỡ Vua. Bên ngoài nhiều đá to nhỏ ngổn ngang. Giặc đuổi kịp, xục xạo đâm trúng chân trái của Lê Liễu. Rất nguy cấp. Bổng trời xui khiến, một con Hồ Ly to lớn chạy vụt ra. Giặc Minh và chó ngao đuổi theo. Vua thoát nạn đi thẳng đến Trịnh Cao đồn trú lại”4.

Câu chuyện đã nói lên phần nào về tính khốc liệt cuộc chiến đấu của nghĩa quân và tấm lòng của nhân dân, đồng bào dân tộc miền núi Lang Chánh nói riêng  đối với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn trong những ngày đầu đầy gian khó.

Trong thời gian ở núi Lang Chánh, Lê Lợi cùng các tướng lĩnh như Lê Liễu, Lê Vấn, Lê Xí, Lê Bí, Trương Lôi, Lê Đạp... và nghĩa quân ẩn náu vẫn kiên trì giữ vững khí chí, quyết vượt gian nguy. Sự cưu mang của đồng bào các dân tộc ở khu vực vùng núi Chí Linh – Lang Chánh cùng với sự tần tảo của bà Chiêu Nghi, sự tháo vát của tướng Nguyễn Nhữ Lãm và bà con ngư dân phường Đa Mỹ đã giúp nghĩa quân Lê Lợi vượt qua những tháng ngày gian khổ, thoát khỏi vây quét, lùng sục của quân Minh để tồn tại và phát triển lực lượng, tiếp tục chiến đấu ở giai đoạn tiếp theo./.

Tài liệu tham khảo;

1. Ban nghiên cứu và biên soạn Thanh Hóa, Tên làng xã Thanh Hóa tập II, Nxb Thanh Hóa, Tr.57

2. Lịch sử Thanh Hóa – Tập III – Nxb Khoa học xã hội Hà Nội 2002,  Tr.43

3. Kỷ yếu hội thảo khoa học: Chí Linh với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn – Nxb Thanh Hóa 2018, Tr.21

4. Sở Văn hóa Thanh Hóa (1985), sáng tác dân gian về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn, Thanh Hóa, Tr.51

Bài: Lê Thị Dịu

Cán bộ phòng nghiệp vụ Ban QLDTLS Lam Kinh.

Audio Guide

Thống kê

KHU DI TÍCH LAM KINH

    Thị trấn Lam Sơn - Thọ Xuân - Thanh Hóa

    0932.355.264

   0932.355.264

    info@lamkinh.vn

LIÊN KIẾT FACEBOOK

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh