Khu di tích Lam Kinh

Loading...

LAM KINH - HỒN THIÊNG SÔNG NÚI

Khi xưa tiếng trống đồng thúc giục nghĩa quân Lam Sơn xung trận thì nay tiếng trống hội Lam Kinh như thúc giục lòng người trở về nơi mạch ngầm truyền thống đang bền bỉ chảy không ngừng. Về với Lam Kinh (Thọ Xuân) là chúng ta trở về với biểu tượng tinh thần của dân tộc Việt để cảm nhận được niềm tự hào dân tộc, để chiêm nghiệm cái thiêng của đất trời Xuân Lam và chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ tú của sông Chu, núi Mục bởi lẽ Lam Kinh là nơi hội tụ "Hồn thiêng sông núi" của xứ Thanh.

* Lam Kinh - Vùng đất địa linh

         Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc, nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn và xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Vùng đất nổi tiếng sinh ra nhiều bậc đế vương, anh hùng hào kiệt, có thành điện Lam Kinh xưa là đất Lam Sơn - vùng đất địa linh, quê hương của anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

           Với vị trí đắc địa phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu - có núi Chúa làm tiền án, bên tả là núi Phú Lâm (núi Hổ), bên hữu là núi Hương (núi Rồng). Khu Hoàng thành, cung điện và thái miếu lại được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương. Với địa thế này, dân gian vẫn lưu truyền đây là thế đất xoáy ốc, long chầu - hổ phục, tay phải Hồ Thuỷ, tay trái Long Sơn, thành điện Lam Kinh liên kết như chuỗi hạt châu phát ngôi Thiên tử.

            Vùng đất Lam Kinh cách đây 600 năm về trước cụ tổ của vua Lê đã sớm nhận ra là vùng "đất lành chim đậu" mà quyết định san đất dựng nhà. Khi cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược nổ ra đất Lam Sơn trở thành nơi hội tụ của nhiều anh hùng hào kiệt, chiêu tập quân sỹ khắp bốn phương dựng cờ khởi nghĩa. Đất nước thái bình, đất Lam Sơn trở thành kinh đô thứ 2 của triều Lê, là quê hương của dòng họ đế vương dài nhất trong lịch sử dân tộc trong suốt hơn 300 năm (1428 - 1788) đưa nước Đại Việt đạt tới thời hoàng kim của chế độ phong kiến. Giờ đây, Lam Kinh trở thành vùng đất thiêng canh giữ giấc ngủ ngàn thu của các bậc đế vương và hoàng hậu triều Lê, là biểu tượng tinh thần của dân tộc Việt khi nghĩ về nguồn cội.

 

* Lam Kinh - cái nôi của khởi nghĩa Lam Sơn

          Về với Lam Kinh những ngày hội du khách mới cảm nhận được hết các hào khí của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dường như chưa hề nguôi bởi lòng người vẫn hướng về cội nguồn, hướng về những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

          Để xây dựng nên một vương triều Hậu Lê thái bình thịnh trị dài nhất trong lịch sử dân tộc. Lê Lợi - người con đất Lam Sơn một lòng yêu nước, thương dân đã nung nấu ý chí và nghị lực đánh đuổi xâm lăng. Lớn lên trong cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo, tàn phá, cuộc kháng chiến chống Minh của vương triều Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách thống trị tàn bạo của giặc Minh. Đầu năm 1416, tại núi rừng Lam Sơn Lê Lợi cùng với 18 cùng mười tám thân hào, nhân sĩ tế cáo trời đất, kết nghĩa làm anh em, thề sống chết có nhau, vinh nhục cùng hưởng chịu, đặng mà cùng nhau tự giác đảm nhận trách nhiệm gánh vác xã hội, bảo an giềng xóm, cứu rỗi giống nòi, giành lại giang san.ngườig đồng chí hướng, hừng hực ý chíđồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương - đó là hội Thề Lũng Nhai. Tin Lê Lợi dựng cờ nghĩa, chiêu mộ hiền tài bay xa, thu hút các anh hùng hào kiệt từ bốn phương kéo về. Với địa hình lắm sông, nhiều núi đất Lam Sơn trở thành nơi tụ nghĩa với đủ các tầng lớp xã hội và thành phần dân tộc khác nhau, với những đại biểu ưu tú như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Nguyễn Xí, Lê Lai... Đầu năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước và giành nhiều thắng lợi. Lê Lợi đã trở thành linh hồn, là lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa ấy. Năm 1427 cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ "cái nôi" Lam Sơn đã kết thúc thắng lợi. Sau khi đuổi hết giặc Minh về nước, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế năm 1428, sáng lập ra vương triều Lê. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn  thực sự làbiểu tư­ợng của ý chí sắt đá, tinh thần chịu đựng gian khổ, kháng chiến trường kỳ, v­ượt qua khó khăn để chiến thắng kẻ thù xâm l­ược mạnh hơn gấp nhiều lần.

* Lam Kinh - Thánh địa tôn nghiêm của triều Hậu Lê

           Cũng như các triều đại trước đó với tấm lòng tôn kính tổ tiên, vua Lê đã cho xây dựng nhiều cung điện, lăng tẩm với quy mô lớn ở đất Lam Sơn và coi đây là "Kinh đô" thứ hai của nhà nước Đại Việt sau Đông Kinh (Thăng Long - Hà Nội). Vì lẽ đó, đương thời Lam Kinh trở thành vùng đất "căn bản" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhà Lê, tồn tại như một thánh địa tôn nghiêm là nơi thờ cúng tổ tiên và an nghỉ của các Hoàng đế, Hoàng Thái hậu triều Lê, nơi cử hành những nghi lễ mỗi khi vua Lê về bái yết sơn lăng.

Trong khu Sơn Lăng của triều Lê Sơ ở Lam Kinh gồm có 6 lăng của các vua và hoàng Hậu: Lăng vua Lê Thái Tổ,Lăng vua Lê Thái Tông, Lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ Vua Lê Thánh Tông), Lăng vua Lê Thánh Tông, Lăng vua Lê Hiến Tông, Lăng vua Lê Túc Tông. Theo cách nhìn tinh tế của nhiều người am hiểu thuyết phong thuỷ xưa và nay,Vĩnh Lăng nơi an nghỉ của vua Lê Thái Tổ được xem là một thế đất đẹp, có vượng khí tốt tươi, núi sông kỳ tú, là điểm huyệt quan trọng và thần diệu nhất trong khu sơn lăng. Bố cục và phong cách mai táng của mỗi lăng và mỗi văn bia mang một kiểu dáng khác nhau  nhưng tất cả đều toát lên vẻ giản dị, gần gũi, tôn nghiêm, tự nhiên và trang nhã.

Với lối kiến trúc gần gũi với thiên nhiên, vẻ đẹp yên tĩnh của thành cổ điện xưa, không gian thanh tịnh của chốn sơn lăng chất chứa những trang sử hùng tráng của một vương triều... đất Lam Kinh thực sự trở thành biểu tượng tinh thần của tổ tiên Việt, nơi hội tụ "Hồn thiêng sông núi" nước Nam. Đến với Lam Kinh để rồi khi trở về, nơi đây không chỉ đơn thuần là điểm du lịch tâm linh, lịch sử, sinh thái hấp dẫn mà còn đọng lại trong mỗi chúng ta niềm tự hào dân tộc./.

Audio Guide

Thống kê

KHU DI TÍCH LAM KINH

    Thị trấn Lam Sơn - Thọ Xuân - Thanh Hóa

    0932.355.264

   0932.355.264

    info@lamkinh.vn

LIÊN KIẾT FACEBOOK

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh