Khu di tích Lam Kinh

Loading...

GỐM TRANG TRÍ HOA LAM THỜI LÊ SƯU TẦM NĂM 2023

Với chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Minh vào thế kỉ 15, nhà Lê xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền vững mạnh dựa trên Nho giáo, để thúc đẩy nền kinh tế, các ngành tiểu thủ công nghiệp phát triển với nhiều làng nghề nổi tiếng như: gốm Bát Tràng (Hà Nội), gốm Chu Đậu (Hải Dương), trung tâm sản xuất đồ sành Hương Canh (Vĩnh Phúc), lò Chum (Thanh Hóa)...Tại tỉnh Thanh Hóa, năm 2023 Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh đã sưu tầm được 05 hiện vật gốm, trong đó có 03 hiện vật gốm thời Lê trang trí hoa lam với đa dạng kiểu dáng, loại hình, hoa văn phong phú, đặc sắc. Hiện vật chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt: Âu, bát, đĩa, chum gốm...trang trí các đồ án hoa văn: hình rồng, phượng, hoa lá, hoa văn hình học...

Âu gốm vẽ lam 

Âu gốm tráng men màu trắng ngả xanh, miệng khum, vành miệng loe bẻ, thân thuôn, chân đế cao trung bình, lòng đế để mộc. Với lối vẽ thoáng đậm và phóng bút, các nghệ nhân thời Lê đã vẽ nên một bức tranh non sông, gấm vóc yên bình, gần gũi của làng quê Việt Nam. Bên ngoài vẽ lam theo bố cục truyền thống của nghệ thuật trang trí đồ gốm gồm 3 băng chủ đạo:

Băng thứ nhất: Phần miệng âu trang trí họa tiết hoa văn hình học

Băng thứ hai: Phần thân trang trí cây cỏ xen lẫn hoa văn hình sóng nước thể hiện nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa lúa nước, gắn với đồng ruộng, cây cỏ.

Băng thứ ba: Phần đế trang trí từng cánh sen kép tách rời nhau xếp quanh thân thành băng.

Các băng phân cách nhau bằng các đường chỉ lam chạy bao quanh. Bên trong âu để mộc, đáy âu còn in dấu ve lòng. Lớp men phủ trên âu gốm đã bị bong tróc nhiều, nứt 2 đường ở thân. Âu có kích thước đường kính miệng 13 cm; đường kính đáy 8,5 cm; cao 12,3 cm.

Bát gốm vẽ lam 

 Bát gốm màu trắng ngả xanh, dáng cao, thành vát đứng, miệng loe bẻ, chân đế cao trung bình, lòng đế quét men nâu không hết. Bên ngoài thân trang trí 2 băng chủ đạo:

 Băng giữa thân trang trí hoa cúc dây cách điệu và đường chỉ lam.

 Băng sát đế trang trí cánh hoa sen.

 Bên trong tâm bát điểm vết chấm lam. Bát có kích thước ĐKM: 13cm; ĐKĐ:7,6cm; H: 7,9cm.

Chum gốm màu trắng ngà, thân phình, miệng thu, chân đế thu, lòng đế để mộc. Bên ngoài trang trí 3 băng chủ đạo:

 Băng sát miệng trang trí hoa dây cách điệu.

Băng giữa thân trang trí cây lá

 Băng sát đế trang trí cánh hoa sen kép.

Chum gốm vẽ lam

 Chum có kích thước ĐKM: 6,4 cm; ĐKĐ: 5,5 cm; H: 11,3 cm.

Những hiện vật trên được nung với nhiệt độ cao, xương gốm dày, mịn, rắn chắc. Căn cứ hình dáng, chất liệu và họa tiết hoa văn trang trí trên hiện vật có thể xác định những hiện vật trên đều được làm dưới thời Lê Sơ, niên đại vào thế kỉ 15.

Gốm sứ thời Lê được coi là đỉnh cao của hoa lam. Gốm hoa lam là tên gọi một loại sản phẩm gốm có trang trí bằng màu xanh lam. Chất liệu tạo màu chủ yếu là oxit coban màu xanh lam hay còn gọi là màu chàm. Phần lớn gốm hoa lam được làm từ loại đất sét trắng, được tình luyện khá kỹ, nung ở nhiệt độ khoảng 13000C. Trang trí hoa lam trên gốm bằng bút lông và màu lam (hay xanh chàm). Nếu kỹ thuật trang trí gốm hoa nâu thời Trần trước đó người thợ gốm dùng bút lông chấm men mầu để tô lên từng mảng đồ án văn khắc trên cốt xương đất mộc, thì giờ đây trên gốm hoa lam người thợ đã vẽ thực sự. Có thể thấy rõ gốm hoa lam khai thác triệt để các yếu tố của hội họa trong thể hiện hoa văn. Với một tâm hồn nghệ sĩ và đôi bàn tay khéo léo, người thợ gốm đã tạo nên những mô típ, những đồ án theo tình cảm và nhận thức của mình. Lối vẽ trang trí trên gốm hoa lam có ba loại: vẽ dưới men, vẽ giữa men và vẽ trên men. Đặc biệt với phương pháp vẽ trang trí dưới men và giữa men của sản phẩm gốm hoa lam tạo nên một hiệu quả kì diệu. Khi sản phẩm đã được qua lò nung, hoa văn trang trí thêm phần lung linh, sống động.

Việc phát hiện và nghiên cứu gốm hoa lam sẽ cho ta những tư liệu quí giá về nghề gốm truyền thống Việt Nam ở thế kỉ 15. Qua đó thấy được nghệ thuật tạo dáng và trang trí gốm hoa lam thời Lê đạt đến trình độ cao, là một mảng màu tươi sáng và rực rỡ nhất trong bức tranh toàn cảnh của gốm hoa lam Việt Nam./.

Tin, ảnh: Trịnh Phương

Cán bộ phòng Nghiệp vụ

Audio Guide

Thống kê

KHU DI TÍCH LAM KINH

    Thị trấn Lam Sơn - Thọ Xuân - Thanh Hóa

    0932.355.264

   0932.355.264

    info@lamkinh.vn

LIÊN KIẾT FACEBOOK

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh