Khu di tích Lam Kinh

Loading...

ĐINH LỄ- KHAI QUỐC CÔNG THẦN TRONG KHỞI NGHĨA LAM SƠN

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) thắng lợi đã chấm dứt ách đô hộ của nhà Minh. Đây là thắng lợi của lòng yêu nước, tinh thần bất khuất và sức mạnh kết hợp của toàn dân tộc. Đặc biệt người có nhiều đóng góp quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn không thể không nhắc đến khai quốc công thần Đinh Lễ (Lê Lễ). Ông là người hương Lam Sơn (nay là huyện Thọ Xuân), tỉnh Thanh Hóa, là cháu ruột gọi Lê Lợi bằng cậu. Đinh Lễ có tài thao lược, sức vóc khỏe hơn người, ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu, dốc lòng phò tá Lê Lợi. Khi mới khởi nghĩa, Đinh Lễ có nhiều đóng góp trong việc giúp Bình Định Vương Lê Lợi thoát khỏi vòng vây, vượt qua nguy hiểm. Dưới thời Lê Sơ, ông được phong đến chức Nhập nội thị trung tước Đình Thượng hầu.

Cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 nước Đại Việt phải trải qua nhiều biến cố thăng trầm lịch sử. Giang san Đại Việt  chìm trong cảnh nô lệ, trăm họ lầm than cơ cực bởi chính sách đô hộ của giặc Minh xâm lược. Âm mưu của giặc Minh là không những chiếm nước ta làm thuộc địa mà còn muốn thực hiện dã tâm đồng hóa, vĩnh viễn xóa bỏ nước ta, sáp nhập hẳn vào lãnh thổ Trung Quốc. Tháng 4 năm 1407, Minh Thành Tổ hạ chiếu đổi nước ta thành quận Giao Chỉ, coi như một địa phương của nước Đại Minh. Bên cạnh việc thiết lập bộ máy hành chính cai trị, nhà Minh còn tăng cường thuế khóa, vơ vét tài nguyên của cải, như vàng bạc, ngọc trai và các sản vật quý hiếm, thực hiện chính sách nô dịch, bắt dân phải đi phu đi cống. Những hành động của giặc Minh  xâm lược đối với Nhân dân Đại Việt thật là tội ác tày trời, Nguyễn Trãi đã viết trong “ Bình Ngô đại cáo”:

“ Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”…

...“ Bại nhân nghĩa nát cả đất trời.

Nặng thuế khóa sạch không đầm  núi”

Tội ác của quân Minh xâm lược đối với muôn dân nước Việt không thể kể xiết, “ trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”. Quân địch tưởng rằng, với việc đàn áp, khủng bố bằng bạo lực như vậy, có thể đè bẹp ý chí đấu tranh bất khuất của dân ta, nhưng những tội ác đẫm máu của chúng chỉ càng khơi sâu thêm lòng căm thù quân xâm lược, khích lệ tinh thần xả thân vì nước của hào kiệt và muôn dân đất Việt.

Năm 1418 (Mậu Tuất), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định vương, truyền hịch đi khắp nơi kêu gọi Nhân dân nổi dậy đánh giặc cứu nước. Từ ấy, núi rừng Lam Sơn trở thành căn cứ địa kháng chiến. Không chỉ đông đảo Nhân dân xứ Thanh tự nguyện gia nhập nghĩa quân, mà nhiều hào kiệt khắp nơi trong cả nước cũng tìm đến Lam Sơn, tham gia cùng Lê Lợi rèn binh dấy nghĩa. Ngay từ buổi đầu còn hoạt động bí mật, Lê Lợi đã quy tụ được rất nhiều người ở mọi giai cấp, tầng lớp tham gia công cuộc kháng chiến. Lê Lợi ngày đêm cùng với một số tướng sĩ: Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Bùi Quốc Hưng, Nguyễn Xí, Lý Triện, Đinh Lễ...cùng nhau bàn mưu tính kế trong núi rừng Lam Sơn.

Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, quân Lam Sơn gặp muôn vàn khó khăn. Lực lượng của nghĩa quân khi ấy chỉ gồm khoảng 35 quan võ, một số quan văn, 200 thiết kỵ, 200 nghĩa sỹ, 200 dũng sỹ, 14 voi chiến và số người tham gia tất cả độ hai ngàn. So với lực lượng hùng hậu của quân Minh lúc bấy giờ thì lực lượng của nghĩa quân thật là nhỏ bé. Cuộc khởi nghĩa vừa được phát động thì lập tức quân Minh tập trung lực lượng lên đàn áp. Tổng binh Lý Bân phái đô đốc Chu Quảng điều quân từ thành Tây Đô lên vây quét vùng Lam Sơn. Tương quan lực lượng quá chênh lệch, quân Minh đuổi theo ráo riết, Lê Lợi lại cho quân rút lên núi Chí Linh. Trong 6 năm đầu nghĩa quân Lam Sơn đã chiến đấu bền bỉ và gian khổ ở vùng rừng núi Thanh Hóa, ngọn cờ đại nghĩa của Bình Định Vương Lê Lợi đã đứng vững và tung bay mạnh mẽ, trở thành biểu tượng thiêng liêng của tinh thần, khí phách dân tộc trên khắp bờ cõi nước Nam.

Mùa thu năm 1424, Lê Lợi và bộ tham mưu quyết định tuyệt giao với địch, chuyển cuộc khởi nghĩa sang một giai đoạn mới, giai đoạn chủ động tiến công, nhằm hoàn thành sứ mệnh giải phóng đất nước. Lê Lợi đã quyết định thực hiện kế hoạch của tướng Nguyễn Chích, chuyển hướng chiến lược vào Nam xây dựng căn cứ địa, giành thế chủ động tiến công.

Sau trận thắng ở Đa Căng tháng 10 năm 1424, nghĩa quân theo đường núi tiến vào Nghệ An với mục tiêu trước hết là chiếm thành Trà Long trên lưu vực sông Lam. Đinh Lễ, Lê Vấn, Lê Nhân Chú, Lê Văn An...tranh nhau tiến lên phía trước phá quân giặc, chém đầu giặc không sao kể xiết. Trần Trí, Sơn Thọ thu nhặt tàn quân chạy về thành Nghệ An. Nghĩa quân Lam Sơn thừa thắng đuổi dài suốt 3 ngày đến tận dưới chân thành, bọn Trần Trí phải vào thành cố thủ.

Tháng 5 năm 1425, Lê Lợi sai Đinh Lễ đi tuần ở Diễn Châu, Lễ đặt phục binh trước. Quân Minh đem hơn 300 chiếc thuyền chở lương thực từ Đông Quan đến, quân Minh tranh nhau mở cửa thành ra đón. Quân mai phục của Đinh Lễ nổi dậy chém viên thiên hộ họ Tưởng và hơn 300 quân giặc. Lễ cướp thuyền lấy lương và đuổi theo, vừa đi vừa đánh đến tận thành Tây Đô.

Năm Bính Ngọ 1426, Lê Lợi cho rằng quân tinh nhuệ của giặc đều ở Nghệ An, các xứ Đông Đô của chúng nhất định suy yếu bèn tăng thêm lực lượng. Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem tinh binh tiến sau để phô trương thanh thế. Quân ta đi đến đâu cũng được người dân hưởng ứng vây đánh các thành giặc. Quân Minh chỉ còn cố thủ chờ viện binh mà thôi.

Ngày mùng 7 tháng 8 năm 1426, Lê Triện đánh Vương Thông ở các trại ngoài Cổ Sở. Lúc ấy, Đinh Lễ đã bí mật mai phục tinh binh ở Thanh Đàm để đợi giặc, đang đêm đem hơn 3.000 quân tinh nhuệ và 2 thớt voi đến cứu. Bắt được gián điệp của giặc, Đinh Lễ và Lê Triện dùng luôn kế của giặc để đánh giặc, phá tan quân giặc ở Tốt Động, Chúc Động.

Đinh Mùi 1427, mùa xuân, Lê Lợi tiến quân sang bờ bắc sông Lô, đối diện với thành Đông Quan. Đinh Lễ được giao nhiệm vụ giữ cửa Nam, Lê Lợi sai Đinh Lễ, Nguyễn Xí đem hơn 500 quân thiết đột đến đánh đuổi giặc tới My Động, Vương Thông thấy Đinh Lễ ít quân mới đánh kẹp vào. Đinh Lễ và Nguyễn Xí cưỡi voi cố sức đánh, voi sa lầy bị quân Minh bắt sống đem về thành Đông Quan. Đinh Lễ không chịu khuất phục bị giết chết.

Với nhiều đóng góp to lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, luận công ban thưởng, Đinh Lễ được xếp ở vị trí 2/136 khai quốc công thần. Cùng năm đó, Vua truy tặng ông hàm Nhập Nội Kiểm Hiệu Tư Đồ. Ngày mùng 3 tháng 5 năm 1429, Lê Lợi ban ngạch công thần cho 93 người. Đinh Lễ được ban biển ngạch công thần là Đình Thượng Hầu.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã cách xa gần 6 thế kỷ, nhưng tên tuổi của khai quốc công thần Đinh Lễ vẫn được lưu truyền trong sử sách. Hiện nay tại Thanh Hóa có một số nơi lập đền thờ Đinh Lễ để tỏ lòng tôn kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

- Khởi nghĩa Lam Sơn

- Đại Việt Sử ký toàn thư

- Khâm định việt sử thông giám cương mục

Bài: Trình Thị Luận

PT phòng nghiệp vụ Ban QLDTLK

Audio Guide

Thống kê

KHU DI TÍCH LAM KINH

    Thị trấn Lam Sơn - Thọ Xuân - Thanh Hóa

    0932.355.264

   0932.355.264

    info@lamkinh.vn

LIÊN KIẾT FACEBOOK

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh