Khu di tích Lam Kinh

Loading...

CÔNG THẦN NGUYỄN TRÃI TRONG CUỘC KHỞI NGHĨA LAM SƠN

Nguyễn Trãi, hiệu là Ức trai, sinh năm 1380 mất năm 1442. Cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Ứng Long, sau đổi là Nguyễn Phi Khanh, hiệu là Nhị Khê. Năm 1400, Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần cho ban hành một loạt cải cách xã hội. Cũng năm này, Nguyễn Trãi đi thi và đậu Thái học sinh (Tiến sĩ) rồi giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng. Năm 1401, cha ông là Nguyễn Phi Khanh cũng được nhà Hồ mời ra làm quan và giữ chức Đại lý tự khanh kiêm Trung thư thị lang, Hàn lâm viện học sĩ. Cả hai cha con đều làm quan với triều nhà Hồ, được sáu năm thì xảy ra cuộc xâm lược của phong kiến của nhà Minh, Nguyễn Phi Khanh đã dứt khoát đứng về phía nhà Hồ mà kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Năm 1407, cuộc kháng chiến của nhà Hồ bị thất bại. Cha con Hồ Quý Ly và một số triều thần trong đó có Nguyễn Phi Khanh bị bắt đưa về Trung Quốc. Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng theo đoàn xe tiễn cha lên tận ải Nam Quan. Nguyễn Phi Khanh khuyên Nguyễn Trãi trở về, giao cho trách nhiệm là rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Trên đường về Nguyễn Trãi bị quân Minh bắt và giam lỏng ở thành Đông Quan (tức Thăng Long). Nguyễn Trãi ngày đêm nung nấu mối thù nhà nợ nước. Tướng nhà Minh là Trương Phụ dụ dỗ ông ra làm quan, ông kiên quyết từ chối. Trương Phụ tức giận toan giết ông, nhưng sau y tính kế tìm cách cảm hóa ông dần dần nên đã buộc ông phải ở trong thành Đông Quan, như một người tù giam lỏng:

          “Góc thành Nam, lều một căn

          No nước uống, thiếu cơm ăn”1.

Nguyễn Trãi lòng ôm chí lớn, am hiểu thời cuộc. Ông đã nhìn rõ những khủng hoảng nghiêm trọng dưới thời Hậu Trần. Trong bài chiếu cấm các đại thần, tổng quản cùng các quan ở viện, sảnh, cục tham lam lười biếng do Nguyễn Trãi thảo ra sau này đã vạch rõ nguyên nhân bại vong của Trần, Hồ ngày trước: “Trần thì cậy mạnh, giàu có, mặc dân khốn khổ, chỉ ham vui chơi, đắm đuối tửu sắc... Nhân dân oán ghét mà không biết; lòng trời khiển trách mà chẳng kinh”. Còn “Hồ thì gian trí để cướp nước, lại dùng gian trí để hiếp dân chúng”2. Mười năm sống ở thành Đông Quan của Nguyễn Trãi (1407 - 1417) cũng là mười năm nhẫn nhịn để chờ thời. Những tội ác tầy trời của giặc Minh đối với nhân dân ta đã làm cho ông nuốt bao căm đã được ông đã viết trong “Bình Ngô Đại Cáo”.

          “… Tát cạn nước Đông Hải, không đủ rửa vết nhơ,

          Chặt hết trúc Nam Sơn, chẳng ghi hết tội ác”3.

Năm 1417, nghe tin Lam Sơn tụ nghĩa, tìm đến Lam Sơn tụ nghĩa cùng nghĩa quân Lê Lợi. Đầu năm 1418, khi ngọn cờ khởi nghĩa của Lê Lợi vừa mới phất lên, thì ở vùng Lam Sơn (tỉnh Thanh Hóa ngày nay) người ta thấy xuất hiện những lá cây mang hàng chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Qua những lá “truyền đơn” này, các bậc hào kiệt thời đó hiểu ngay là hai con người có tài, có chí lớn đã gặp nhau, cùng nhau mưu đồ sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong buổi đầu cũng như trong toàn bộ quá trình phát triển lực lượng, Nguyễn Trãi rất chú trọng đến việc xây dựng phẩm chất cho các tướng sĩ Lam Sơn. Theo Nguyễn Trãi “Đạo làm tướng thì lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm cành”[Thư trả lời Phương Chính]; còn binh sĩ thì không những được dạy bảo những phương pháp ngồi, đứng, tiến, lui, mà còn được “hun đúc bằng những điều nhân nghĩa, khiến ai cũng hết lòng thành, thân với kẻ trên, chết cho người trưởng”. Đây là vấn đề lập trường chiến đấu của nghĩa quân, một khi tướng sĩ đã có được phẩm chất chính trị như vậy thì sẽ trở thành một lực lượng vô địch: “Đem quân ấy ra đối phó với địch thì kẻ nào theo ý hướng ta sẽ sống, kẻ nào trái ý hướng ta sẽ chết” [Thư gửi Vương Thông].

Nghĩa quân Lam Sơn được hun đúc bằng tư tưởng nhân nghĩa và giáo dục về ý thức đoàn kết hữu ái trong nội bộ: Giữa binh lính với binh lính, giữa binh lính với chỉ huy. Nguyễn Trãi đã nhiều lần nhắc đến một cách tự hào: “Thiết quân, rượu hòa nước, dưới trên đều một dạ cha con” [Bình Ngô đại cáo] và “nay ta dấy nghĩa quân, trên dưới một lòng” [Thư gửi Vương Thông]. Tình đoàn kết còn được biểu hiện trong câu nói của Nguyễn Trãi gửi cho Vương Thông: “Quân họ Hồ trăm vạn người trăm vạn lòng, còn quân ta bất quá vài mươi vạn nhưng ai nấy một lòng”.

Trong lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi là những nhà lãnh đạo chiến lược tài ba. Nguyễn Trãi ngoài việc quan tâm đến việc xây dựng phẩm chất chính trị cho nghĩa quân, coi việc xây dựng phẩm chất chính trị là cơ sở của xây dựng quân đội, Nguyễn Trãi còn thu phục lòng và dựa vào Nhân dân để chiến thắng được giặc. Trong khi ra Nghệ An, Lê Lợi đã ra lệnh cho các tướng sĩ: “Dân ta khổ nhiều với quân giặc đã lâu, Phàm nếu quận huyện nào, tơ hào không được xâm phạm. Nếu không phải trâu thóc của bọn ngụy quân thì dù có đói thế nào cũng không được đụng đến. Lúc ấy quân sĩ đã ba ngày chưa được ăn mà vẫn không dám phạm đến của dân. Dân thấy pháp lệnh nghiêm minh liền đem hết trâu thóc của người Minh ra cấp cho quân sĩ” [Mấy vấn đề về sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi - Tr 20]. Sách “Lam Sơn thực lục” còn ghi lại sự ủng hộ tích cực của nhân dân đối với nghĩa quân: “Phàm những dân ở gân thành giặc đóng, tơ hào không bị xâm phạm. Từ đó, dân cả một lộ Thanh Hóa cùng thân thuộc bạn cũ của nhà vua đều tranh nhua tới cửa trại quân xin

Về phương châm chiến thuật, thì trên cơ sở chiến lược đánh lâu dài, nghĩa quân Lam Sơn đã đề ra những chiến thuật thích hợp. Như trong bài “Bình Ngô đại cáo” và trong bài “Văn bia Vĩnh lăng”, Nguyễn Trãi đã nói lên phương châm chiến thuật ấy:

          “Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ,

            Lấy ít địch nhiều, hay dùng mai phục”.4

          Trải qua 10 năm trường kỳ kháng chiến, nếm mật nằm gai (từ năm 1418 - 1427) Nguyễn Trãi đã có mặt suốt từ đầu đến cuối trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cùng với người đứng đầu là Lê Lợi, vào ngày 15/4/1428 Lê Lợi lên ngôi hoàng đế tại Đông Kinh (Thăng Long - Hà Nội ngày nay), xưng Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra một triều đại Hậu Lê phát triển rực rỡ kéo dài 360 năm.

          “Xã tắc từ nay vững bền.

          Giang sơn từ nay đổi mới.

          Càn khôn đã bĩ rồi lại thái,

          Nhật nguyệt đã mờ rồi lại trong.

          Để mở nền muôn thuở thái bình;

          Để rửa nổi nghìn thu hổ thẹn”5.

Nguyễn Trãi không những là một nhà chiến lược đại tài - một nhà quân sự - một nhà tư tưởng uyên thâm mà ông còn là một nhà văn hào xuất sắc. Ông còn là anh hùng của dân tộc, danh nhân văn hóa của Việt Nam và thế giới, ông có đóng góp quan trọng trong sự phát triển văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông đã để lại rất nhiều tác phẩm văn, thơ: tập Quân trung từ mệnh, Bình Ngô đại cáo, Văn bia Vĩnh lăng, Phú núi Chí Linh, Ức trai quốc âm thi tập… Năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của ông, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Nguyễn Trãi là Danh nhân văn hóa thế giới và đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm một cách trang trọng tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới./.

1. Tư liệu tham khảo Văn học Việt Nam tập II, Nxb Giáo dục 1979, Tr 123.

2. Mấy vấn đề sự nghiệp và văn thơ Nguyễn Trãi, Nxb Khoa học, Hà Nội 1963.

3. Lê Quý Đôn toàn tập tập II, Nxb Khoa học và xã hội, Hà Nội 1978, Tr 74.

4. Lịch sử Thanh Hóa tập III, Nxb Khoa học và xã hội, Hà Nội 2002, Tr 82.

5. Lam Sơn thực lục, Nxb Khoa học và xã hội, Hà Nội 2006, Tr 208.

Bài: Lê Thị Dịu

Cán bộ phòng Nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh

Audio Guide

Thống kê

KHU DI TÍCH LAM KINH

    Thị trấn Lam Sơn - Thọ Xuân - Thanh Hóa

    0932.355.264

   0932.355.264

    info@lamkinh.vn

LIÊN KIẾT FACEBOOK

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh