Khu di tích Lam Kinh

Loading...

BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO – ÁNG THIÊN CỔ HÙNG VĂN THỜI LÊ SƠ

Nếu “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam nhằm khẳng định sự tồn tại và chủ quyền của quốc gia Đại Việt thì “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi là lời tuyên ngôn đanh thép vạch trần tội ác của kẻ thù xâm lược, cũng là khúc ca khải hoàn về một kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc, đất nước phát triển. Đây là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, nơi thể hiện tâm huyết và trí tuệ của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Sức mạnh ngôn từ trong Bình Ngô đại cáo trở thành biểu tượng vững chắc của lòng tự tôn, tinh thần yêu nước, khát khao hòa bình và được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai trong lịch sử của dân tộc.

Bắt đầu Bình ngô đại cáo cáo bằng câu: Việc nhân nghĩa cốt ở yên (an) dân” chữ “an” ở đây có nghĩa là an cư lạc nghiệp, cũng vì Nhân dân mà đứng lên kháng chiến chống quân Minh.

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

Tư tưởng yêu nước, tư tưởng nhân dân, tư tưởng nhân nghĩa hòa bình của Nguyễn Trãi xây dựng trên một nhân sinh quan tốt đẹp, một lập trường vững chắc, luôn lạc quan và tư duy tích cực. Tư tưởng ấy đã được gạn lọc từ những tinh túy của Nho giáo trong thời kỳ phong kiến đồng thời ông cũng ảnh hưởng bởi truyền thống một dân tộc Việt Nam bất khuất, yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa. Khác với nhiều nhà quân sự, chính trị cùng thời, Nguyễn Trãi hội tụ được đầy đủ, trọn vẹn nhất về bản lĩnh chính trị, quân sự và văn học, về tư tưởng ái quốc, tư tưởng nhân nghĩa và Nhân dân. Ông đã coi Nhân dân là người làm nên lịch sử, tạo nên thời thế đó chính là lý do ông làm nên sự nghiệp vĩ đại của dân tộc.

Những dòng văn khiến người nghe sôi sục căm thù khi được tác giả tái hiện một cách chân thực, kỹ lưỡng kể về tội ác của giặc Minh trong Bình Ngô đại cáo.

“ Nướng dân đen trên ngọn lửa hùng tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ...”

Bằng những hình ảnh mang sắc thái tương phản dữ dội: "dân đen" - "con đỏ" cùng những động từ mạnh "nướng", "vùi", những tính từ mang sắc thái căm hờn "hung tàn", "tai vạ". Nguyễn Trãi lật tẩy mặt nạ giả dối của giặc Minh, phơi bày tội ác của chúng ra ánh sáng. Giặc ngoại xâm không chỉ vơ vét của cải đất nước ta, mà chúng cưỡng bức, giết hại người dân vô tội.

Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc,

                               ngán thay cá mập, thuồng luồng.

Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng,

                                khốn nỗi rừng sâu nước độc”

Câu văn như còn nỗi đau của dân tộc, trong đó đã ngưng lại mồ hôi, nước mắt, và cả đến xương máu của người Việt. Nguyễn Trãi cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của Nhân dân ta dưới ách thống trị tàn bạo của quân giặc, càng nung nấu chí căm thù. Dưới ngòi bút Nguyễn Trãi, lũ giặc ngoại xâm man rợ hiện lên như những con quỷ khát máu. Chúng hạch sách, hành hạ Nhân dân ta đủ điều; giết hại những người dân vô tội, vơ vét sản vật, thu thuế nặng nề, áp dụng chế độ phu phen hà khắc. Song, thay vì những dòng chính sử lạnh lùng, Nguyễn Trãi tái hiện thảm cảnh đau thương trong những năm giặc Minh đô hộ bằng những dòng văn có nhịp điệu dồn dập, hình ảnh, ngôn từ chân thực và dữ dội. Trong những câu văn ấy, ta thấy nỗi hờn căm dâng lên không ngừng, ngòi bút Nguyễn Trãi như biến thành ngọn giáo đâm thẳng vào kẻ thù bằng một bản luận tội đanh thép dành cho quân giặc.

Độc ác thay, Trúc Lam Sơn không ghi hết tộ

Dơ bẩn thay, nước Đông hải không rửa sạch mùi”.

Trong bản cáo trạng ấy, ta có thể thấy cảm giác vô cùng sôi sục, phẫn nộ, uất hận của tác giả gửi gắm vào đó. Tác giả luôn hướng đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con người. Với những tội ác chồng chất, dã man của giặc, quân và dân ta đã đồng lòng đứng lên đấu tranh giành lại chủ quyền cho dân tộc, cho đất nước. Những anh hùng hào kiệt, đặc biệt đến những vị lãnh tụ tài ba của nghĩa quân Lam Sơn cũng đều có xuất thân rất bình thường.

“Ta đây: Núi Lam Sơn dấy nghĩa,

Chốn hoang dã nương mình”

Nghĩa quân Lam sơn, mà Nguyễn Trãi chính là linh hồn chiến đấu cho chính nghĩa, cho tiến bộ xã hội“Lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh; lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo...”

Với tinh thần quật cường, ý chí sắt đá, quân và dân ta đã đồng lòng chiến đấu, chiến thắng giặc ngoại xâm xâm lược. Ta chiến thắng giành được độc lập, giặc thất bại nhục nhã chính là cái kết tất nhiên cho những gì mà chúng đã gây ra. Tuy nhiên điều đặc biệt ở đây là dù chúng có độc ác, tàn nhẫn, dân ta có bị chà đạp, vùi dập đến đâu thì vẫn lấy tấm lòng hiếu sinh để mở đường sống cho chúng. Như vậy đến cuối cùng ta vẫn dùng sự nhân đạo để đối xử với kẻ thù. Thế mới thấy rằng cách hành xử, tinh thần nhân nghĩa của quân ta với tội ác của giặc vô cùng cao thượng và được nâng lên một tầm cao mới.

Tư tưởng yêu nước trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo không chỉ là ở chỗ phát động cuộc chiến tranh hợp thời, hợp quy luật, biết phát huy sức mạnh như vũ bão của quần chúng nhân dân mà còn ở chỗ biết dừng cuộc chiến tranh đúng lúc kịp thời. Nguyễn Trãi đã từng khẳng định “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân” lý do “Trừ bạo” là để “An dân”; ”Điếu phạt” là để muôn dân được sống trong hòa bình. Thì nay cuộc chiến tranh dừng lại cũng chính là để “An dân”. Vì thương dân mà “Đánh kẻ có tội” khi mục đích đã đạt ta phải để “dân nghỉ sức”.

“Tướng giặc bị cầm tù như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh...

Họ đã tham sống sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng
Ta lấy toàn dân là hơn nhân dân nghỉ sức”

(Bình Ngô đại cáo)

Với bản chất “Chí nhân đại nghĩa” quân ta đã kết thúc cuộc chiến tranh với tấm lòng nhân ái bao la. Người Việt có câu: “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, tính mạng của con người rất đáng quý, dù họ là người dân Việt Nam hay Trung Quốc, vì  thế “Thần Vũ chẳng giết hại”, “mở đường hiếu sinh” đã thể hiện lòng khoan hồng cao cả. Rõ ràng sợi dây nhân nghĩa là mục đích khởi sự và cũng là cái đích cuối cùng. Tư tưởng nhân nghĩa cũng chính là tư tưởng hòa bình. Đây cũng chính là sự khẳng định bản chất “Chí nhân thay cường bạo”. Tư tưởng ấy đã khẳng định vẻ đẹp nhân nghĩa của người Việt Nam từ xưa đến nay, vẻ đẹp của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, căm ghét chiến tranh. Mục đích đánh lại kẻ thù “Diệt hung tàn” của chúng ta cũng chỉ vì yêu dân, yêu nước mà thôi. Nguyễn Trãi - một nhà tư tưởng của thời đại đã vượt qua được những hạn chế của Nho giáo truyền thống, vượt xa trên hành trình tư tưởng yêu nước của thế hệ sau này. Tư tưởng ấy, trí tuệ ấy đã kết tinh lại như sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm, để Bình ngô đại cáo trở thành một áng thiên cổ hùng văn, là bản hùng ca tráng lệ bất diệt về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, về phong trào yêu nước của dân tộc ở thế kỷ trước.

Tác giả của bài Bình Ngô đại cáo không chỉ là nhân vật lịch sử vĩ đại của lịch sử Việt Nam ở TK XV, là một nhà quân sự lỗi lạc, là nhà chính trị thiên tài mà ông còn là một nhà văn, nhà thơ lớn tiêu biểu cho tư tưởng yêu nước, tư tưởng Nhân dân, tư tưởng nhân nghĩa, hòa bình. Tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" của ông cũng không đơn thuần là một văn kiện lịch sử chính trị mà nó còn là kiệt tác cả về nội dung và nghệ thuật. Trải qua nhiều thế kỷ nhưng giá trị, ý nghĩa to lớn của bài Cáo Bình Ngô này vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay, mai sau và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc./.

Tài liệu tham khảo:

  1. 1. Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn của Nguyễn Trãi Nhà xuất bản Khoa học Hà Nội năm 1963.
  2. 2. Khởi nghĩa Lam Sơn  - Phan Huy Lê Phan Đại Doãn -NXB Quân đội
  3. 3. Lịch triều Hiến chương Loại chí tập 2 – Phan Huy Chú – NXB Trẻ
  4. Bài: Ngô Việt Phương
  5. Cán bộ phòng TCHC Ban QLDTLK

Audio Guide

Thống kê

KHU DI TÍCH LAM KINH

    Thị trấn Lam Sơn - Thọ Xuân - Thanh Hóa

    0932.355.264

   0932.355.264

    info@lamkinh.vn

LIÊN KIẾT FACEBOOK

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh