Khu di tích Lam Kinh
Bảo vệ biên cương đất nước thời Lê Sơ
Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi hoàn toàn trước quân Minh 1427, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế (1428), lấy niên hiệu Thuận Thiên, lập ra triều Hậu Lê (1428-1789) trong lịch sử nước nhà. Trong thời kỳ Lê Sơ (1428 -1528), vấn đề bảo vệ biên cương Đại Việt được các vua Lê chú trọng, thể hiện tinh thần độc lập, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Sau cuộc kháng chiến chống quân Minh, triều đình Lê mới thành lập phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có việc cát cứ của các thế lực thủ lĩnh dân tộc địa phương, đặc biệt ở các vùng biên giới. Chính vì vậy, tư tưởng “Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an” ra đời dưới thời vua Thái Tổ là tư tưởng nền tảng trong việc bảo vệ biên cương. Các đời vua tiếp theo luôn quan tâm đến việc bảo vệ biên cương, lãnh thổ, năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã từng ra chỉ dụ cho Thái bảo Lê Cảnh Huy: “Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự nhiên vứt đi được? Phải kiên quyết tranh luận, không để họ lấn dần. Nếu họ còn không theo, có thể sai sứ sai tận triều đình của họ, biện bạch rõ lẽ phải trái. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, kẻ ấy phải bị trị nặng”(1), đây là chỉ dụ nổi tiếng cho thấy việc bảo vệ biên giới quan trọng như thế nào, chỉ có bảo vệ tốt biên giới thì đất nước mới yên ổn, phát triển.
Đối với các hoạt động mang quân xâm nhập, quấy phá vùng biên giới Đại Việt, các vua Lê luôn có đối sách đáp trả. Năm 1430, vua Thái Tổ sai Tổng quản Lê Khôi vào trấn giữ Hóa Châu để phòng giữ trước những nguy cơ từ Chiêm Thành. Năm Quang Thuận thứ 8 (1467) thời vua Thánh Tông, tháng 2 vua sai Khuất Đà đem quân đánh Ai Lao; tháng 3, Sầm Tổ Đức đem quân đến cướp bóc ở vùng biên giới, vua sai trung thư làm tờ tư cho Bá chính ty nhà Minh đòi trả người và súc vật bị cướp(2).
Để có thể thực hiện những đối sách bang giao, chính trị, lực lượng quân sự mạnh mẽ là điểm tựa chắc chắn. Lực lượng quân chính quy 35 vạn người được chia thành các phiên luân phiên sản xuất lương thực và tập luyện, tuần tra theo chính sách “ngụ binh ư nông”. Các cuộc thi võ, diễn tập thủy bộ được tổ chức dưới sự quan sát trực tiếp của các vua Lê để kiểm tra chất lượng và khả năng phối hợp chiến đấu của đội quân.
Bên cạnh lực lượng quân chính quy và quân các đạo, các vua Lê cũng rất quan tâm đến lực lượng quân đội của các tù trưởng, thủ lĩnh các dân tộc vùng biên viễn. Đây là lực lượng quân cơ động tại chỗ, thích ứng nhanh với sự đánh phá từ bên ngoài nên tầm quan trọng của lực lượng này là rất lớn. Để thu phục được lực lượng này, các vua Lê đã sử dụng nhiều chính sách từ thời Lý - Trần
Trước hết, vua Thái Tổ sử dụng chính sách nhu viễn từ thời Lý - Trần, phong quan ban tước cho các thủ lĩnh địa phương có đóng góp vào việc đánh bại sự xâm lược của nhà Minh. Như Xa Khả Tham - một tù trưởng người Thái ở Mộc Châu được vua trao chức Nhập nội Tư không đồng Bình chương sự tri Đà Giang trấn Thượng bạn, các dòng họ như họ Cầm ở tây Nghệ An, họ Hà ở tây Thanh Hóa, họ Cầm ở Hưng Hóa, họ Bế ở phủ Cao Bình đều được trao chức tướng quân trấn nhậm tại địa phương.
Đồng thời với chính sách nhu viễn, chính sách bạo lực cũng được sử dụng để trấn áp các thế lực địa phương vẫn còn âm mưu chống đối, phản loạn. Dưới thời vua Lê Thái Tổ, năm 1431 cho quân đánh dẹp cuộc nổi dậy của Nông Đắc Thái, Bế Khắc Thiệu ở châu Thạch Lâm (Cao Bằng), năm 1432 mang quân đánh Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ (Lai Châu). Sang thời vua Lê Thái Tông, năm 1434 đánh dẹp Hoàng Nguyên Ý ở châu Thu Vật (Tuyên Quang), năm 1435 bắt Cầm Quý ở châu Ngọc Ma (Nghệ An), năm 1437 dẹp loạn Đạo Quỵ, Đạo Thang ở vùng Gia Hưng, Sơn La. Năm 1479, vua Lê Thánh Tông sai Lê Niệm đem quân đi đánh và quy phục các tù trưởng Bồn Man.
Hai chính sách nhu viễn và bạo lực, một nhu một cương được sử dụng đã thể hiện cả uy và đức của triều đình đối với lực lượng thủ lĩnh, tù trưởng vùng biên viễn. Bằng những chính sách này, triều đình Lê Sơ khiến họ phải trung thành với nhà nước Đại Việt, là lực lượng chủ chốt phòng thủ tại các vùng biên giới.
Để vừa có thể bảo vệ biên giới vừa giám sát được các thế lực thủ lĩnh, tù trưởng địa phương, dưới thời Lê Sơ đã xuất hiện một chính sách mới so với thời trước, đó là chính sách phiên thần. Đây là một chính sách thể hiện tầm nhìn rộng của triều đình Lê Sơ, khi cử các tướng lĩnh đến các vùng biên giới, ban tước vị, đất phong cho họ, đồng thời gắn trách nhiệm bảo vệ vùng biên, con cháu các tướng lĩnh này được tập ấm tước vị, trấn thủ các vùng đất phong. Dòng họ của các tướng lĩnh trấn thủ vùng biên dần dần phát triển, kiểm soát các hoạt động kinh tế, xã hội, giám sát các lực lượng thủ lĩnh địa phương đồng thời nhanh chóng vào trạng thái chiến đấu khi biên giới có xung đột với các nước xung quanh.
Lấy tư tưởng “Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an” làm nền tảng, các vua Lê đã thực hiện các chính sách một cách mềm dẻo nhưng vẫn cương quyết, thu phục và ổn định các thế lực thủ lĩnh, tù trưởng địa phương, đưa Đại Việt thành một quốc gia hùng mạnh trong khu vực thời bấy giờ.
Chú thích:
- 1. Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, Nxb Giáo dục, 1998, sđd, tr. 535
- 2. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, 1993, sđd, tr. 447, 450
Tài liệu tham khảo:
1. Khâm định Việt sử thông giám Cương mục
2. Đại Việt sử ký toàn thư
3. Đàm Thị Uyên: Chính sách dân tộc của các triều đại phong kiến Việt Nam ( Thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XIX)
Bài : Nguyễn Văn Huấn
Cán bộ Phòng Nghiệp vụ BQLDTLS Lam Kinh
Audio Guide
Thống kê
KHU DI TÍCH LAM KINH
Thị trấn Lam Sơn - Thọ Xuân - Thanh Hóa
0932.355.264
0932.355.264
info@lamkinh.vn
LIÊN KIẾT FACEBOOK
Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh