Khu di tích Lam Kinh

Loading...

3 ANH EM HỌ ĐINH TRONG KHỞI NGHĨA LAM SƠN

Khởi nghĩa Lam Sơn (1418- 1427), do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo đã đánh đuổi giặc Minh giành lại độc lập cho đất nước. Để có được thắng lợi ấy là sự tổng hòa của nghệ thuật quân sự, mưu lược trong kế sách đánh giặc, là sự đồng lòng trên dưới “tướng sĩ một lòng phụ tử” và không thể thiếu được tinh thần dũng cảm thiện chiến của các võ tướng. Trong số những vị tướng ấy thì 3 anh em họ Đinh: Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt.

Dòng họ Đinh trong giai đoạn cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV là một gia tộc có truyền thống khoa bảng ở xứ Thanh. Theo gia phả còn ghi lại người cha của 3 anh em là cụ Đinh Tôn Nhân làm chức Thái úy, tước Hầu đời nhà Trần. Đến khi Hồ Quý Ly thay thế nhà Trần lập nên nhà Hồ (1400-1407) thì Cụ Đinh Tôn Nhân lui về ở ẩn tại vùng Mỹ Lâm, sách Thủy Cối (nay là xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa). Tại đây cụ đã sinh ra 3 người con trai là Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt

Ba anh em được gia đình rất chú trọng đến việc học văn, luyện võ nên đã mời cụ nghè Trần Lân về dạy chữ Hán và võ sư Trần Quốc Đại về dạy võ. Cả ba người đều ham học và tinh thông nhiều môn khác nhau. Đinh Lễ giỏi cưỡi ngựa bắn cung, Đinh Bồ giỏi vật và sử dụng xà mâu, Đinh Liệt giỏi khiên và kiếm. Trước tình cảnh đất nước bị nhà Minh đô hộ cụ Đinh Tôn Nhân đã tích cực chiêu mộ các anh hùng hào kiệt và người dân để chuẩn bị cho việc khởi nghĩa. Tuy nhiên, chí lớn chưa thành thì Ông qua đời. Là những người trẻ, có nhiệt huyết và tinh thần dân tộc nên 3 anh em đã tiếp tục sự nghiệp của cha. Nhận thấy chưa đủ sức mạnh để đối chọi với nhà Minh nên khi nghe tin Lê Lợi khởi nghĩa, Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt đem toàn bộ gia sản, vũ khí, quân binh về dưới trướng Lê Lợi. Trong sự nghiệp bình Ngô, mỗi người đều có những đóng góp lớn.

Đinh Lễ (? - 1427)

Đinh Lễ tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu, trải qua nhiều trận đánh lớn như ở cửa ải Khả Lưu. Trong trận đánh này ông đã cùng Lê Sát, Phạm Vấn dũng cảm xung phong chém được tướng tiên phong của giặc là Hoàng Thành, bắt sống Chu Kiệt. Tháng 6 năm 1425, Lê Lợi cử Đinh Lễ dẫn đại quân đi hạ thành Diễn Châu (Nghệ An). Bằng kế mai phục, Đinh Lễ vừa đánh bại được quân Minh tại đây, lấy được vô số lương thực lại còn sử dụng thuyền chiến của giặc tấn công thẳng ra Tây Đô (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Dù chưa hạ được thành Tây Đô, nhưng với việc bao vây tòa thành này đã tạo cơ hội cho nhân dân các vùng khác ở địa phương này nổi lên tự giải phóng khỏi ách đô hộ.

Tháng 8 năm 1426, sau khi làm chủ từ Thanh Hoá đến Thuận Hoá, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh bắc tiến. Đinh Lễ đã cùng với Lý Triện lập nên chiến thắng vang dội ở Tốt Động, Ninh Kiều tiêu diệt và bắt sống hơn 5 vạn quân Minh, giết Thượng thư Trần Hiệp và nội quan Lý Lượng. Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã ghi về trận đánh này: "Nghe nói các tướng Đinh Lễ và Lê Xí đang đóng quân ở Thanh Đàm, Triện liền sai báo gấp cho họ đến tiếp ứng. Bọn Lễ và Xí lựa lấy ba nghìn quân tinh nhuệ và hai thớt voi, tức tốc ngay ban đêm, đến hội quân ở Cao Bộ. Họ chia quân đặt phục ở Tốt Động và Chúc Động.

Bắt được gián điệp của địch, ta biết Vương Thông đã tiến đóng ở Ninh Kiều, ngầm cho kỳ binh tiến nhanh đến phía sau quân Triện, còn chính binh của Thông sẽ vượt sông tiến lên phía trước. Chúng hẹn nhau hễ nghe tiếng súng pháo nổ, thì các mũi quân địch cùng lúc đánh khép lại. Hồi canh năm đêm ấy, bọn Lễ sai quân bắn súng pháo ở nơi yếu hại để đánh lừa giặc. Giặc nghe súng nổ, đều đỗ xô đi chiếm lấy chỗ thuận lợi. Chúng lùa quân đi tắt vào. Bấy giờ trời mưa, đường lầy lội, chúng kéo đến Tốt Động, bị phục binh ta bốn bề nổi dậy. Quân ta hợp sức lại, hăng hái chiến đấu, cả phá được quân giặc." (1)

Trong Đại Việt Thông sử, Lê Quý Đôn đánh giá rất cao đóng góp của Đinh Lễ đối với thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn: “Trước trận Tốt Động, Chúc Động, nghĩa quân luôn đánh thắng nhưng vẫn dựa vào 2 châu Hoan, Ái (Thanh Hóa, Nghệ An), chưa dám ra Đông Đô đánh quân Minh. Cánh quân do Lý Triện, Trịnh Khả chỉ huy đơn độc cứ đi lại ở vùng Thiên quan, Quảng Oai, Tam Giang, rồi áp sát vào đô thành. Người trong nước còn sợ oai quân Minh, chưa đầu hàng hết. Sau chiến thắng này, quân Lam Sơn mới bao vây Đông Đô, dân các phủ huyện hưởng ứng rầm rộ. Người trí dũng theo về như đi chợ, thành trì cả nước bị phá hoặc xin hàng, trong khoảng 1 năm cả nước đều bình định. Đó là công của Đinh Lễ, Lý Triện” (2)

Thừa thế tiến công, Đinh Lễ đã đem quân đến đóng ở Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội ngày ngay) để tiến gần hơn đến thành Đông Quan. Khi nghe tin Vương Thông đưa quân ra đánh quân ta ở Tây Phù Liệt, Ông và Nguyễn Xí đã đưa quân đến ứng cứu, không may gặp địa hình bùn lầy, voi bị sa lầy ông bị giặc bắt. Giặc Minh đã tìm mọi cách để dụ hàng nhưng không lay chuyển được ông. Đinh Lễ bị giết vào ngày 9 tháng 3 năm 1427.

Khi nghe tin Đinh Lễ bị sát hại, Bình Định Vương Lê Lợi và các tướng sĩ đều vô cùng thương xót. Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái tổ đã truy tặng ông hàm Nhập nội Kiểm hiệu tư đồ. Đến năm Hồng Đức thứ 15 (1484) vua Lê Thánh Tông truy tặng ông hàm Thái sư, tước Bàn quốc công, sau được truy phong là Hiển Khánh Vương.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư đã đánh giá về Đinh Lễ “Tướng giỏi thời ấy thì (Đinh) Lễ và (Lý) Triện là những người xứng đáng đứng đầu”.(3)

Đinh Bồ (? - 1427)

Đinh Bồ tham gia khởi nghĩa được xếp thứ 7 trong số 51 người tham gia buổi đầu. Lúc đầu Ông được phân công cùng với Nguyễn Thận và Ngô Từ phụ trách hai đồn điền ở Mỹ Lâm và Mục Sơn để sản xuất lương thực, tìm cách tích trữ lương trong các hang núi. Sau này Ông được giao phụ trách đội quan Thiết đột. Đội quân này do Đinh Bồ dẫn dắt rất giỏi về phục kích nên đã thắng nhiều trận như Lạc Thủy, Nga Lạc, Bồ Thi Lang…

Tháng 10 năm 1424, thực hiện mưu kế của tướng Nguyễn Chích, Đinh Bồ cùng nghĩa quân Lam Sơn tập kích đồn Đa Căng. Sau đó ông đã có nhiều công lao trong việc hạ thành Trà Lân, trận Khả Lưu. Với những chiến công đó ông được phong chức Thượng thướng, hàm Thiếu phó. Tháng 6 năm 1425, Đinh Bồ nhận lệnh cùng với các tướng Doãn Nỗ, Lê Định đưa quân tiến đánh vùng Tân Bình, Thuận Hóa (vùng đất từ Quảng Bình đến Thừa Thiên- Huế ngày nay). Trong những cuộc chiến cam go này, Đinh Bồ đã thể hiện được sức mạnh và sự mưu trí của mình trong những trận đánh như đồn Hà Khương, thành Tân Bình, đồn Hồ Xá, Thuận Hóa. Đặc biệt trong trận chiến ở đồn Hồ Xá vì quân giặc chống cự và phản kích rất mạnh nên nhiều nghĩa binh đã thương vong, Đinh Bồ cũng bị dính tên có tẩm thuốc độc. Sau nhiều thời gian miệt mài chinh chiến, vùng đất này đã thuộc quyền quản lý của quân nghĩa Lam Sơn, Đinh Bồ được giao ở lại để trấn thủ vùng đất này. Nhưng chưa được bao lâu thì vết thương vì trúng tên độc càng nặng hơn, Đinh Bồ mất ngày 15 tháng 7 năm 1427. Lê Lợi nghe tin vô cùng đau đớn, đã cử Nguyễn Vỹ mang sắc phong ban Quốc tính cho Đinh Bồ, phong tước Thái bảo.

Đến năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi đã truy phong Đinh Bồ là Uy dũng đại vương, Trung đẳng phúc thần và lập đền thờ ở Thuận Hóa

Đinh Liệt (? - 1471)

Đinh Liệt là người duy nhất trong số ba anh em họ Đinh tham gia Hội thề Lũng Nhai vào tháng 2 năm 1416. Đây cũng chính là vị tướng họ Đinh đi hết hành trình 10 năm gian khổ của khởi nghĩa Lam Sơn và trở thành một vị đại quan phụng sự 4 đời vua (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông).

Trong sử sách còn ghi lại nhiều chiến công của Ông. Ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, Đinh Liệt luôn sát cánh bên chủ tướng, chiến đấu nhiều trận ác liệt vào sinh ra tử, trải qua những tháng ngày gian khổ ở miền nui phía Tây Thanh Hóa,

Năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn chiếm được thành Trà Lân, sắp đánh thành Nghệ An. Lê Lợi chia cho Đinh Liệt 1000 quân, Ông đã đi đường tắt chiếm trước huyện Đỗ Gia (nay là huyện Hương Sơn), sau đó đánh đánh tập hậu quân địch ở Khả Lưu khiến giặc thua to.

Năm 1427, quân Lam Sơn vây thành Đông Quan, tướng Đinh Lễ bị tử trận, Lê Lợi phong ông làm Nhập nội thiếu uý Á hầu. Cuối năm 1427, An viễn hầu Liễu Thăng mang 10 vạn binh sang cứu viện, Đinh Liệt cùng Lê Sát và Trần Lựu theo lệnh đánh thua liên tục để nhử quân giặc vào trận địa mai phục giúp quân ta tiêu diệt chủ tướng địch là Liễu Thăng, đánh bại quân giặc trong trận chiến Chi Lăng. Chiến thắng này có ý nghĩa quyết định đến việc tổng binh Vương Thông xin hàng, kết thúc thắng lợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ đã xét công ban thưởng, Đinh Liệt được xếp vào công thần hạng nhất, ban quốc tính, phong là Suy trung tán trị Hiệp mưu bảo chính công thần, Vĩnh lộc đại phu, Tả kim ngô vệ đại tướng quân, tước Thượng trí tự. Đến năm 1429 được phong Đình thượng hầu. Năm 1432 tiến phong nhập nội Tư mã và tham dự triều chính.

Trong thời gian làm quan dưới triều Lê, Đinh Liệt đã đưa quân đi dẹp loạn ở vùng Thuận Hóa vào tháng 5 năm 1434. Ngày 3 tháng 10 năm 1459, Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân lẻn vào cung cấm, gây nên biến loạn cung đình, phế vua Lê Nhân tông, tự lập làm vua. Ngày mồng 6 tháng 6 năm 1460, Đinh Liệt lúc ấy giữ chức Khai phủ nghi đồng tam ty, Thái phó bình chương quân quốc trọng sự, Á quận hầu đã cùng với Lê Lăng, Nguyễn Xí, Lê Niệm…xướng nghĩa giết Lê Nghi Dân và đón hoàng tử Tư Thành lên ngôi (tức vua Lê Thánh Tông). Sau khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi đã phong ông làm Lân quận công. Năm 1470, khi vua đi đánh Chiêm Thành, Ông đã cùng Lê Niệm tiến theo đường thủy để tạo thành nhiều mũi giáp công. Cuộc thân chinh này đã bắt được vua Chiêm là Trà Toàn giải về kinh sư. Đến năm 1471 thì Đinh Liệt mất được truy phong là Trung mục vương. Ông là một trong những công thần khai quốc sống lâu nhất sau khi nhà Hậu Lê thành lập, được ban quốc tính (nên còn ghi là Lê Liệt). Con cháu Đinh Liệt sau tiếp tục vinh hiển làm quan cho nhà Hậu Lê và thời  Trung Hưng

Vua Lê Thánh Tông đã đánh giá rất cao những đóng góp của Đinh Liệt: “Xét Lê Liệt đây: Sớm đem tình ruột thịt ra ứng hội phong vân. Tiếng kèn, tiếng sáo, xướng họa, khó biết anh em ai hơn, ai kém. Kế ở miếu đường, mưu ở biên cương; vừa tướng văn, vừa tướng võ. Khi tiến khi lui cùng nước, cùng vui cùng lo. Lúc nguy hiểm, lúc bình thường vẫn trọn một tiết. Chịu cố mệnh hai triều, người nhiều công giúp đỡ. Xứng đáng làm bầy tôi xã tắc; lại được ký thác cho việc cầm cân để thêm trọng vọng. Công lao và chức vị càng to; nơi nơi xa gần ai đều cũng thấy” (4)

Trong Lịch triều hiến chương loại chí đã viết:Ông là người có công to khi mới mở nước, trải thờ bốn triều. Lại là công thần bậc nhất buổi trung hưng, chức vị và đức vọng cao chót vót. Từ năm Quang Thuận trở đi (1465) làm tướng quốc gần 10 năm, quyết đoán những mối ngờ lớn, quyết định những việc bàn lớn. Vua rất tin cậy, trong triều ngoài nội đều tôn trọng” (5).

Như vậy, trong khởi nghĩa Lam Sơn 3 anh em họ Đinh đã vào sinh ra tử, sát cánh cùng Lê Lợi vượt qua nguy nan, có nhiều chiến công góp phần tạo nên thắng lợi huy hoàng của cuộc khởi nghĩa. Chỉ tiếc rằng Đinh Lễ và Đinh Bồ đã hi sinh trước ngày toàn thắng chưa đến 1 năm. Trong việc xây dựng và phát triển quốc gia Đại Việt, Đinh Liệt đã tỏ rõ tài năng trở thành giường cột của đất nước, trải qua bốn đời vua rạng rỡ lòng trung, cống hiến hết mình, một lòng báo quốc, đóng góp công lao để tạo nên một quốc gia hùng cường lúc bấy giờ. Ngày nay, 3 anh em họ Đinh được lập đền thờ ở nhiều nơi, được đặt tên đường, tên phố đó cũng chính là sự ghi nhận của hậu thế với những người có công với đất nước./.

Chú thích:

(1). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 367- 368.

(2), (4). Đại Việt Thông sử (Lê Quý Đôn), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr. 167, 170

(3). Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Ngô Sĩ Liên và Quốc sử quán triều Lê, Nxb Khoa học xã

hội, Hà Nội 2009, tr. 335

(5). Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú), Nxb trẻ, Tp.HCM, 2014, tr. 247,248

Tài liệu tham khảo:                           

1. Lê Quý Đôn, Đại Việt Thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976.

2. Ngô Sĩ Liên và Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký thoàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2009.

3. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb trẻ, Tp.HCM, 2014.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.

5. Trịnh Hoành, Văn tài võ lược xứ Thanh, Nxb Thanh Hóa, 2017.

Bài: Trần Danh Hải

Cán bộ phòng Nghiệp vụ, BQL DT Lam Kinh

Audio Guide

Thống kê

KHU DI TÍCH LAM KINH

    Thị trấn Lam Sơn - Thọ Xuân - Thanh Hóa

    0932.355.264

   0932.355.264

    info@lamkinh.vn

LIÊN KIẾT FACEBOOK

Bản quyền 2017 thuộc Ban quản lý Di tích Lam Kinh